Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết, đến dịp sum vầy, đoàn tụ trong không khí ấm áp của gia đình. Hầu như ai ai cũng đang chuẩn bị cho chuyến về quê nhưng đâu đó vẫn có những người lặng lẽ nén nỗi nhớ quê nhà để làm việc, kiếm thêm thu nhập.
Chẳng đủ tiền về quê
Khác với mọi năm, thời điểm này, dãy trọ nhà cô Tám Thương (hẻm 214 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP HCM) đã sôi động với việc công nhân chuẩn bị cho những chuyến về quê đón Tết. Năm nay lại khác, dãy trọ với khoảng 30 người đang thuê ở đều đi làm bình thường, tăng ca và về ngủ mà chẳng ai hỏi thăm nhau xem mua được vé chưa, chừng nào về, mua quà gì gửi về quê…
Người lao động đang tìm hiểu việc làm thời vụ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM
Đa số những người trọ ở đây đều làm công nhân (CN) cho Công ty Bao bì H.H cách đó hơn 1 km. Anh Lê Văn Dần tâm sự: Những người ở khu này đều dân Hà Tĩnh, mấy năm trước làm ăn được nên giờ này đã chộn rộn chuẩn bị về quê nhưng năm nay, công ty cắt giảm nhiều khoản do đơn hàng ít, công việc không nhiều nên thu nhập chỉ đủ sống. "Cuối năm không dư được đồng nào, chẳng đủ tiền về quê. Anh em ở đây có người phải chạy xe ôm công nghệ cả đêm để có thêm tiền đóng tiền học cho con. Vất vả là thế nên năm nay hình như nguyên dãy trọ không ai về quê cả. Anh em đang dự tính góp tiền tổ chức cái tất niên cho có không khí Tết rồi tranh thủ cày thêm kiếm tiền. Mấy hôm nay cả dãy đã bàn tính kỹ, nam thì đăng ký chạy xe ôm công nghệ, nữ nhận hàng về ráp hoặc đi bán hàng, lau dọn nhà cửa cho người ta..." - anh Dần chia sẻ.
Hai vợ chồng đều làm CN ở KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức, TP HCM), chị Nguyễn Thị Nga cho biết năm nay cũng không về quê ăn Tết và đây là năm thứ 2 liên tiếp chị không thể đón Tết cùng gia đình. Chị cho biết từ ngày có con nhỏ, chi phí tăng lên nhiều nhưng thu nhập không tăng được bao nhiêu khiến tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. "Cuộc sống khó khăn, chi phí ăn ở tăng chóng mặt nên chuyện về quê đón Tết trở nên xa vời với nhà em. Chồng em gói bánh chưng rất khéo nên tụi em đang tính mượn thêm tiền mua gạo nếp, mua lá chuối gói bánh bán trong dịp Tết. Phải kiếm thêm thôi vì nhà trọ tăng thêm 200.000 đồng/tháng, tiền gửi bé cũng tăng thêm 200.000 đồng nên đã khó nay càng khó hơn" - chị Nga cho biết.
Chắt chiu cho tương lai
Quê tận miền Bắc, mỗi lần về Tết rất tốn kém nên năm nay chị Lê Thị Hậu (sống và làm việc tại quận 12) quyết định ở lại để tiết kiệm. Chị vào TP HCM được 4 năm và đây là lần đầu tiên quyết định ở lại ăn Tết.
Tranh thủ những ngày nghỉ Tết, chị xin làm phục vụ cho một nhà hàng gần chỗ trọ. Chị sẽ bắt đầu làm việc tại đây từ ngày 24 tháng chạp đến mùng 5 Tết. "Tôi làm CN may, lương cả tăng ca chỉ được từ 6-8 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí ăn ở còn dư hơn một nửa. Mấy năm trước thì dư được bao nhiêu gửi về quê, cuối năm về ăn Tết thì tốn khoảng 7 triệu đồng gồm tiền xe ra vào, quà Tết, lì xì các cháu... Năm nay, tôi tiết kiệm được hơn 40 triệu đồng, nếu về Tết thì chỉ còn lại 30 triệu đồng, nên dự tính qua năm làm thêm vài tháng, gom góp lại mua cái máy về tự làm, không làm cho xưởng nữa" - chị Hậu nói.
Giám đốc một công ty may thêu cho biết công ty năm nay có đơn hàng giao ngay sau Tết nguyên đán nên công ty khuyến khích CN ở lại làm để hoàn thành đơn hàng. Công ty đưa ra mức lương gấp 1,6 lần và thưởng thêm 1 triệu đồng nếu CN nào ở lại làm xuyên Tết. Trong 3 ngày Tết, công ty cũng sẽ làm những món ăn truyền thống để CN đỡ nhớ quê, tạo không khí như ở nhà. Rất mừng là năm nay nhiều CN chịu ở lại làm. Công ty có thể bảo đảm giao đúng thời hạn với hợp đồng đã ký. Lý giải về việc có nhiều CN ở lại làm Tết, vị giám đốc này cho rằng có thể chế độ đãi ngộ cho người ở lại tốt nhưng có khi do giá vé tàu xe, máy bay tăng cao và thời tiết lạnh mùa Tết cũng có tác động. CN bây giờ thu nhập cũng khá nên họ bắt đầu có những kế hoạch lớn hơn, như mua nhà, mua xe, đi học thêm…, họ ráng "cày" để kiếm thêm.
Nhiều việc làm thời vụ dịp Tết
Thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, những tháng cuối năm, thành phố có khoảng 70.000 việc làm, tập trung ở các nhóm ngành, nghề như: nhân viên kinh doanh - bán hàng, dịch vụ - phục vụ, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng…
Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP HCM cũng cho biết đến thời điểm này đã có khoảng 5.000 việc làm trong dịp Tết. Mức thu nhập bình quân cho lao động thời vụ từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng/giờ, hoặc 140.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày tùy theo thời gian, thời điểm làm việc và khối lượng công việc.
Bình luận (0)