Mới đây, Tòa Lao động - TAND TP HCM đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa ông Đặng Đức Minh (SN 1977, ngụ quận Gò Vấp) với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Giống cây trồng Trí Nông (quận 12; Công ty Trí Nông). Tòa phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Minh; đồng chấp nhận kháng cáo của bị đơn là Công ty Trí Nông.
Thỏa thuận miệng
Ông Minh cho biết ông là nhân viên thủ kho kiêm nhân viên sản xuất tại Công ty Trí Nông từ tháng 10-2017. Ông Minh được nhận lương 15 triệu đồng/tháng nhưng không ký HĐLĐ. Đến đầu năm 2019, công ty bất ngờ cho ông nghỉ việc không báo trước. Cho rằng bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, ông Minh khởi kiện ra tòa, buộc công ty bồi thường.
Ngoài ra, ông Minh cũng yêu cầu công ty phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong thời gian ông làm việc. "Hằng tháng, công ty có trừ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ lương. Thế nhưng, sau này, tôi phát hiện công ty không hề đóng" - ông Minh bức xúc nói.
Suốt quá trình giải quyết vụ kiện ở cấp sơ thẩm, dù Hội đồng Xét xử (HĐXX) TAND quận 12 (TP HCM) tống đạt thông báo thụ lý vụ việc cũng như giấy triệu tập nhưng Công ty Trí Nông không hề cử đại diện đến tòa. Chưa kể, công ty này không hề gửi văn bản trả lời về nội dung đơn khởi kiện. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra với sự có mặt của mỗi nguyên đơn.
TAND quận 12 chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cấp sơ thẩm, nhận thấy hồ sơ vụ kiện có tài liệu là thư điện tử trao đổi giữa ông Minh với kế toán công ty về xuất nhập hàng hóa hằng ngày, do vậy có đủ căn cứ để xác định hai bên có quan hệ lao động từ tháng 10-2017. Hai bên có thỏa thuận HĐLĐ không xác định thời hạn nhưng không lập hợp đồng.
"Công ty cho ông Minh nghỉ việc không rõ lý do, không có văn bản là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo quy định tại điều 38 và 41, Bộ Luật Lao động 2012" - thẩm phán Huyền Tôn Nữ Kiều Hạnh (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) khẳng định. Dù không hợp tác với tòa sơ thẩm nhưng công ty vẫn kháng cáo bản án sơ thẩm. Cùng đó, VKSND quận 12 cũng kháng nghị bản án sơ thẩm.
Bản án phúc thẩm vụ tranh chấp lao động
Thua kiện vì không được đóng BHXH
Tại tòa phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp thêm bản chính bảng lương bộ phận sản xuất tháng 12-2018, có tên (kèm chữ ký) và người lập biểu mẫu là Trần Thị Mỹ Thảo. Đến tòa với tư cách người làm chứng, bà Thảo cho biết bà làm việc tại Công ty Trí Nông, song chưa từng gặp ông Minh, cũng không ký tên trong bảng lương nói trên.
Tương tự, đại diện công ty trình bày chưa bao giờ ký HĐLĐ với ông Minh. Diễn biến đáng chú ý khác là cơ quan BHXH TP xác nhận trong danh sách đóng BHXH, BHYT, BHTN của Công ty Trí Nông không có tên ông Minh.
Căn cứ vào hồ sơ, HĐXX phúc thẩm cho rằng không có cơ sở xác định ông Minh là nhân viên Công ty Trí Nông và sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, chấp nhận kháng cáo. Theo thẩm phán Phan Thị Út (chủ tọa phiên phúc thẩm), tòa sơ thẩm chưa thu thập đủ chứng cứ nên việc tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu nguyên đơn là thiếu cơ sở.
Nêu ý kiến về vụ kiện hy hữu này, luật sư Trần Huỳnh Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay phán quyết tòa án dựa trên lời khai đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng cùng tài liệu hai phía cung cấp hoặc tòa án tự thu thập. Đương sự có thể tiến hành thủ tục đề nghị giám đốc thẩm nếu cảm thấy kết quả xét xử phúc thẩm chưa thỏa đáng "Xác nhận từ cơ quan nhà nước giúp tòa án xác minh bản chất vụ việc.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những nguồn chứng cứ" - luật sư Thanh phân tích. Từ vụ việc trên, luật sư khuyến cáo người lao động (NLĐ) nên thận trọng khi thỏa thuận việc làm, đặc biệt là thương thảo HĐLĐ. Thực tế, không ít doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian thử việc với mức lương cao, song lờ đi việc thực hiện trách nhiệm, thậm chí tìm cách "hất" NLĐ bất cứ lúc nào. Không có HĐLĐ, NLĐ rất khó thắng kiện.
Bình luận (0)