Bị tai nạn lao động (TNLĐ) đến nay đã 30 năm, trải qua những bi quan, tuyệt vọng, tuy nhiên nhờ sự động viên của người thân cùng sự chăm lo chu đáo suốt nhiều năm của tổ chức Công đoàn, bà Đặng Thị Tâm (52 tuổi) đã vượt qua những buồn đau để tiếp tục sống. Năm nay cũng vậy, bà Tâm rất xúc động khi là một trong 65 công nhân (CN) được LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM hỗ trợ nhân dịp Tháng CN.
Xoa dịu nỗi đau
Năm 1991, khi đang là CN khâu bông chải của Công ty Dệt may Thắng Lợi, trong một lần bất cẩn khi làm việc, bà Tâm bị máy chải sợi ép vào tay khiến 4 ngón tay dập nát, tỉ lệ thương tật 39%. Sau vụ tai nạn, bà không thể tiếp tục làm CN như trước, trong khi chồng là thương binh hạng 1, tỉ lệ thương tật 81%, gần như mất khả năng lao động. Vợ chồng bà lại đang nuôi 2 con ăn học, chỗ ở không ổn định, phải đi thuê trọ, khoản trợ cấp tai nạn và thương binh của 2 vợ chồng không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, trao tiền hỗ trợ cho công nhân bị tai nạn lao động .Ảnh: NGÂN HÀ
Để có tiền chăm lo gia đình, bà đi giúp việc nhà theo giờ, tuy nhiên, công việc và thu nhập không ổn định nên thiếu trước hụt sau. Nay bà Tâm đã lớn tuổi, sức khỏe yếu lại bị bệnh tim mạch, không thể làm việc như xưa nên gia cảnh càng khó khăn hơn. "Sống trong hoàn cảnh như vậy, không tránh khỏi những lúc bi quan nhưng may mắn gia đình tôi vẫn luôn nhận được sự động viên, quan tâm chí tình của mọi người và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Công đoàn. Chính sự động viên ấy đã tiếp thêm động lực sống và sống có ích cho vợ chồng tôi" - bà Tâm chia sẻ.
Cũng từng trải qua những ngày tháng bi quan sau TNLĐ nhưng ông Đào Ngọc Long (nguyên là CN Công ty CP Dệt may Gia Định Phong Phú) đã cố gắng để vượt qua. Dù vụ TNLĐ xảy ra rất lâu nhưng mỗi khi nhớ lại, ông Long vẫn ám ảnh. Năm 1998, khi đang làm việc, do bất cẩn lúc thao tác, ông Long bị chiếc lò xo từ thiết bị bật ra bắn thẳng vào mặt và mắt phải. Mọi việc xảy ra quá nhanh khiến ông bất tỉnh. "Tỉnh lại ở bệnh viện, biết mình có thể bị mất hoàn toàn sức lao động, tôi hoàn toàn suy sụp vì là lao động chính trong gia đình" - ông Long ngậm ngùi. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, ông Long đã vượt qua vụ tai nạn, hồi phục nhanh chóng để trở lại với công việc, dù không thể như trước nhưng ông đã kiên trì làm việc cho tới lúc nghỉ hưu. "Vụ tai nạn xảy ra đã hơn 20 năm nhưng tôi thật sự cảm thấy ấm lòng vì suốt chừng ấy năm, tôi vẫn được nhớ đến, vẫn được quan tâm, động viên" - ông Long xúc động nói khi nhận được phần quà từ tay các cán bộ LĐLĐ quận Bình Thạnh mới đây.
Cố gắng vì tương lai
Từng ám ảnh vì TNLĐ nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, CN Công ty TNHH Mua bán Sản xuất giấy Tân Nhật Dũng (KCN Tân Phú Trung; huyện Củ Chi, TP HCM), đã không đầu hàng số phận.
Năm 2016, trên đường đi kiểm hàng cho công ty, chị bị tai nạn giao thông và mất 3 ngón chân trái. Sau một tuần nằm viện, chị về nhà với thân thể khiếm khuyết, tỉ lệ thương tật 34%. May mắn là sau khi tai nạn xảy ra, chị đã được công ty hỗ trợ chi phí nằm viện và bố trí công việc phù hợp sức khỏe. Chồng chị cũng làm chung công ty. Hiện vợ chồng chị ở trọ và chị đang mang thai đứa con thứ hai. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc của vợ chồng chị trong thời gian qua không ổn định. Thế nhưng, họ động viên nhau cố gắng làm việc, dành dụm để các con có cuộc sống tốt. "Tôi thấy mình may mắn vì sau TNLĐ vẫn có thể làm việc và rất vui khi năm nào cũng nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn quận 5. Đó là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn trong những ngày sắp tới" - chị Thắm bộc bạch.
Ông Lý Song, CN bộ phận lắp ráp thuộc chi nhánh Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam), cũng nhanh chóng vượt qua ám ảnh TNLĐ để làm việc tốt. Ông Song là một trong 90 CN bị TNLĐ được Công đoàn cao su Việt Nam hỗ trợ trong Tháng CN 2021. Năm 2014, trong quá trình sử dụng máy cắt để cắt gỗ, do bất cẩn không đeo kính bảo hộ, ông bị mảnh gỗ bắn vào mắt. Vụ tai nạn khiến mắt phải của ông mất hẳn thị lực. Thời điểm đó, ông phải nằm viện suốt gần nửa tháng. Sau khi hồi phục, vì điều kiện sức khỏe nên ông được công ty bố trí làm bảo vệ. Thế nhưng, ông bày tỏ mong muốn được trở lại công việc cũ để thử thách bản thân và gắn bó từ đó cho đến nay. "Bản thân từng bị TNLĐ vì bất cẩn nên tôi luôn nhắc anh chị em đồng nghiệp phải tuân thủ các biện pháp an toàn lao động của công ty. Tôi hy vọng không đồng nghiệp nào gặp phải sự cố giống mình" - ông Song nói.
Trong Tháng CN 2021, Công đoàn ngành cao su sẽ hỗ trợ 90 trường hợp bị TNLĐ có tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên. Ngoài ra, các Công đoàn cơ sở cũng thăm và tặng quà cho 1.000 trường hợp khác (tỉ lệ thương tật dưới 31%). "Với sự hỗ trợ này, chúng tôi hy vọng các anh chị em sẽ có thêm động lực vượt qua khó khăn, mất mát để tiếp tục cống hiến" - ông Võ Việt Ngân, Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam, khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5
Động viên công nhân bị tai nạn lao động
Hưởng ứng Tháng CN và Tháng hành động vì an toàn - vệ sinh lao động, chiều 7-5 , LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM đã tổ chức họp mặt 217 CN bị TNLĐ (tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, 83 CN có tỉ lệ thương tật trên 51% được chăm lo mức 1 triệu đồng/người, 134 CN có tỉ lệ thương tật từ 31%-50% được chăm lo mức 500.000 đồng/người.
Tại chương trình, ngoài lắng nghe những chia sẻ của CN về các vấn đề trong cuộc sống, đại diện LĐLĐ và BHXH TP Thủ Đức cũng tư vấn, giải đáp thắc mắc về chế độ chính sách đối với người lao động bị TNLĐ.
H.Đào
Bình luận (0)