Đây là Nghị quyết hướng dẫn áp dụng điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), điều 215 về tội gian lận BHYT và điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) của Bộ Luật Hình sự. Theo đại diện TAND Tối cao, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 3 tội danh là tội gian lận và trốn đóng BHXH, BHTN và BHYT cho NLĐ. Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.
Công nhân Công ty TNHH May Thái Bình Dương (huyện Hóc Môn, TP HCM) làm thủ tục kiện doanh nghiệp nợ BHXH Ảnh: CAO HƯỜNG
Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, Nghị quyết đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 25-6-2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2019, khắc phục những bất cập, hạn chế từ thực tiễn xét xử tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Nghị quyết quy định khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ Luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 nói trên, cần thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
Tại buổi lễ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá Nghị quyết được thông qua sẽ bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với các tội danh tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ Luật Hình sự, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN - những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Khi các quy định của Bộ Luật Hình sự về 3 tội danh này sẽ được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên thực tiễn, qua đó sẽ tăng cường tính răn đe, cảnh báo và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và cơ quan BHXH. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy đến đầu tháng 8-2019, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN (không bao gồm Vinashin, Vinalines) toàn ngành là 16.875 tỉ đồng. Trong đó, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 6.803 tỉ đồng.
Bình luận (0)