Sự việc đứa bé mới hơn 10 tuổi bị xâm hại dẫn đến mang thai ở Vĩnh Long mấy ngày nay trở thành đề tài bàn tán xôn xao tại xóm trọ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM. Ai cũng xót xa rồi phập phồng lo lắng vì trong số họ, rất nhiều người vì mưu sinh phải xa xứ, con cái đành để lại quê nhà cho người thân nuôi dưỡng.
Hối hận thì đã muộn
Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp có hơn 10.000 công nhân (CN) tại KCX Linh Trung, TP HCM nhìn nhận: Do giá cả sinh hoạt, chi tiêu tại TP HCM đắt đỏ; hơn nữa, muốn được “rảnh tay” để làm việc, tăng ca, kiếm thêm thu nhập nên nhiều CN quyết định gửi con về quê cho ông bà. Thế nhưng, họ vẫn luôn đau đáu với quyết định này vì có quá nhiều hiểm nguy rình rập những đứa trẻ.
Gặp chúng tôi mới đây, chị Lê Thị Lan, CN Công ty Yujin Vina (KCX Linh Trung 1, TP HCM), khóc sưng mắt khi nghe bà ngoại ở Thanh Hóa gọi điện thoại vào bảo đứa con trai của chị đã nghỉ học hơn 1 tuần nay. Vợ chồng chị Lan chia tay gần 10 năm; để có tiền lo cho cuộc sống của 2 mẹ con, chị phải gửi con trai cho bà ngoại để vào TP HCM làm việc. Chịu khó tăng ca, làm thêm và chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng chị Lan gửi 2-3 triệu đồng về quê cho con. Chị Lan chia sẻ: “Cực khổ cỡ nào tôi cũng chịu được, chỉ mong con trai có tương lai tươi sáng. Nay nghe cháu nghỉ học, tôi không còn động lực để làm việc nữa”.
Con trai chị Lan năm nay 13 tuổi, lứa tuổi chưa là người lớn nhưng cũng không còn là con nít, dễ nổi loạn và bị bạn bè lôi kéo. Khi tôi hỏi: “Rồi chị tính sao?”, chị Lan tâm sự: “Tôi sẽ về quê đưa cháu vào đây ở với mẹ. Nếu cháu muốn đi học tiếp, tôi sẽ tìm trường cho nó. Nếu cháu không muốn học nữa, tôi sẽ cho đi học nghề. Tôi rất hối hận vì thời gian qua chỉ lo kiếm tiền để cho con đầy đủ bằng bạn bè mà không quan tâm đến việc dạy dỗ, uốn nắn con”.
Người một nơi, hồn một nẻo
Chị Nguyễn Thị Ly, Công ty Pongkook (KCX Tân Thuận, TP HCM), kể vợ chồng chị từ Tiền Giang lên TP HCM làm việc đã 10 năm, thu nhập của 2 người mỗi tháng được khoảng 12 triệu đồng. Số tiền này, sau các chi phí tiền nhà trọ, ăn uống, bệnh đau, đám tiệc… còn dư vài triệu để gửi về quê lo cho 2 đứa con đi học.
“Cuối tuần, vợ chồng tôi tranh thủ về quê thăm con, nhắc nhở con học rồi tranh thủ lên ngay. Nhưng vợ chồng tôi còn may mắn vì mỗi tuần có thể về chứ các anh chị quê ở miền Trung, miền Bắc nhớ con chỉ biết khóc thầm. Mấy ngày nay, qua các phương tiện truyền thông thấy trẻ bị xâm hại, tôi lo quá. Nhưng mang cả 2 đứa lên TP HCM học, vợ chồng tôi không kham nổi chi phí. Hai vợ chồng đang tính đến chuyện về quê làm ở KCN gần nhà. Tuy thu nhập có thấp hơn nhưng đỡ tiền thuê nhà trọ, chi phí ăn uống cũng rẻ hơn và quan trọng được gần gũi 2 con”.
Gửi con rồi mất cả con
Nhân chuyện các bậc cha mẹ là CN lo lắng về những rủi ro vây bủa con mình khi chúng không được ở cùng cha mẹ, anh Nguyễn Văn Tấn - quê Nghệ An, đang làm CN tại Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 2, TP HCM) - kể: “Năm ngoái, không khí u ám bao trùm cả xóm trọ của tôi vì tai nạn của vợ chồng anh Vinh, đồng hương Nghệ An. Vợ chồng anh Vinh có đứa con nhỏ 4 tuổi gửi về quê cho ông bà nội chăm sóc. Anh trai anh Vinh cũng làm CN ở Bình Dương, gửi con gái 6 tuổi về quê cho ông bà chăm. Không ai chăm cháu tốt bằng ông bà nên vợ chồng anh Vinh và anh trai rất yên tâm. Nhưng một buổi trưa nọ, khi cả nhà đang nghỉ trưa thì 2 đứa trẻ rủ nhau ra bờ ao trước nhà chơi và trượt chân rơi xuống đó. Gia đình và hàng xóm không ai hay biết. Cái chết của đứa con đầu lòng đã làm vợ anh Vinh nửa tỉnh nửa mê”.
Theo Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện có hơn 2,4 triệu CN đang làm việc tại các KCX - KCN, khu kinh tế, trong đó gần 70% là lao động nữ. Đa phần họ còn trẻ, thoát ly từ nông thôn. Ngoài mặt tích cực là có việc làm, thu nhập thì CN lại phải đối mặt với những mặt tiêu cực liên quan tới đời sống gia đình. Có tới 22% những người được hỏi phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Có lẽ, cũng chính vì thực trạng này mà rất nhiều người yêu nhau nhưng không dám cưới hoặc cưới rồi lại không dám sinh con. Từ đó, nảy sinh những hiện tượng tiêu cực khác như: sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai trước hôn nhân và tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều. Đặc biệt, tình trạng lao động nữ đẻ con, nuôi con một mình hoặc có con nhưng không đăng ký kết hôn… chiếm tỉ lệ cao.
Bình luận (0)