Tại TP HCM, hiện tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài ở không ít doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được khắc phục khiến tình hình sản xuất - kinh doanh đình trệ, đời sống và việc làm của người lao động (NLĐ) đối mặt với nhiều khó khăn.
Đồng cam cộng khổ
Tại Công ty TNHH Ampfield (100% vốn nước ngoài; KCN Tân Bình, TP HCM), 3 năm qua đã 3 lần tạm ngưng sản xuất, phải thu hẹp hoạt động và chuyển xưởng sang một khu mới có diện tích nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí.
Nguyên nhân chính là do thị trường hẹp nên DN bị phụ thuộc rất nhiều. Có những giai đoạn khách hàng tạm ngưng đặt hàng do dịch COVID-19 và tiêu thụ kém, khiến DN phải tạm đóng cửa, việc làm của NLĐ bị gián đoạn, thu nhập giảm sút. Đỉnh điểm có lúc công ty không còn kinh phí để trả lương và trích nộp BHXH cho NLĐ. Hiện DN này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, NLĐ mỗi tuần chỉ làm việc từ 2-3 ngày. Với những ngày nghỉ, NLĐ được hưởng lương chờ việc.
"Hoạt động sản xuất của DN có thể duy trì đến thời điểm này hoàn toàn dựa vào tinh thần san sẻ của đôi bên. NLĐ hiểu DN khó khăn về đơn hàng và tài chính nên chấp nhận ở lại dù thu nhập và phúc lợi bị giảm sút. Ngược lại, DN cũng tìm mọi cách để bảo đảm trả đủ lương và đóng các khoản bảo hiểm cho NLĐ" - bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết.
Công nhân Công ty Liên doanh An Thành (quận 12, TP HCM) chăm chỉ làm việc dù biết trước doanh nghiệp sẽ ngừng hoạt động. Ảnh: MAI CHI
Sau nhiều nỗ lực để khắc phục khó khăn về đơn hàng nhưng không hiệu quả, mới đây Công ty Liên doanh An Thành (quận 12, TP HCM) thông báo sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày 1-9-2023. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết DN bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2022. Để duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho NLĐ, công ty phải nhận những đơn hàng gia công, đơn giá thấp.
Song khó khăn kéo dài, không thể tiếp tục duy trì, DN buộc phải giải thể. Đối với hơn 400 NLĐ mất việc, công ty bảo đảm trả lương, trợ cấp thôi việc, đóng BHXH đầy đủ, đồng thời hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng và chi thưởng lương tháng 13 theo số tháng làm việc thực tế. Ngoài ra, NLĐ nào có nhu cầu sẽ được công ty giới thiệu đến làm việc tại một DN ở tỉnh An Giang.
Theo bà Hồng, dù rất buồn nhưng tập thể NLĐ đều thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với DN. "Từ trước đến nay, dù thuận lợi hay khó khăn, các chế độ chính sách, phúc lợi cho NLĐ đều được DN bảo đảm. Bên cạnh đó, NLĐ hiểu rõ tình hình của công ty, mọi thắc mắc về chế độ chính sách của họ đều được DN và Công đoàn trả lời thỏa đáng. Do vậy, NLĐ cam kết làm việc ở công ty cho đến ngày cuối cùng" - bà Hồng nói.
Cân nhắc thiệt hơn
Trong bối cảnh khó khăn, thay vì san sẻ và đồng hành để cùng nhau vượt khó nhưng tại một số DN, NLĐ lại ngừng việc để đòi quyền lợi về lương, thưởng. Cụ thể, vào ngày 10 và 11-7, hơn 4.200 CN Công ty TNHH S.V (tỉnh Long An) ngừng việc tập thể yêu cầu DN tăng lương, vì họ cho rằng nhà nước đã điều chỉnh lương từ ngày 1-7 nhưng DN không tăng.
Đối thoại với công nhân (CN), đại diện Ban Giám đốc Công ty TNHH S.V cho biết rất hiểu tình cảnh của NLĐ nhưng thời gian qua tình hình kinh doanh của DN không thuận lợi. "Chúng tôi cảm thấy có lỗi vì để mọi người đối mặt với hoàn cảnh này. Tuy nhiên, thời điểm này thực hiện yêu cầu của NLĐ là chưa được, vì công ty không có khả năng" - đại diện công ty nói.
Theo Công đoàn Các KCN tỉnh Long An, Công ty TNHH S.V đã thực hiện chế độ tiền lương và điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho NLĐ theo quy định, nên việc CN đòi tăng lương là không đúng. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, tập thể CN đã trở lại làm việc.
Trước đó, vào đầu tháng 7-2023, khi Công ty CP G.R.F (tỉnh Bình Dương) thông báo giảm 50% lương tháng 13 và tiền thâm niên, khoảng 1.600 CN cũng đã ngừng việc tập thể. Phía công ty cho hay do từ tháng 1 đến nay đơn hàng sụt giảm, DN thua lỗ nên ban giám đốc dự định cắt giảm khoảng 500 CN.
Tuy nhiên, ghi nhận sự đồng hành của NLĐ với DN suốt thời gian qua, sau đó công ty thống nhất chỉ giảm tiền thưởng lương tháng 13 của năm 2023 và từ năm 2024 chỉ còn thưởng thâm niên. "DN đã chọn phương án tối ưu để bảo đảm việc làm cho NLĐ nên mong muốn nhận được sự thấu hiểu, sẻ chia của họ. Khi DN ổn định sẽ tính lại khoản thưởng tháng 13 cho NLĐ" - đại diện công ty bày tỏ.
Trao đổi với NLĐ, đại diện LĐLĐ TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) phân tích Bộ Luật Lao động hiện hành không quy định về khoản thưởng lương tháng 13 mà chỉ khái niệm chung về thưởng. Theo đó, thưởng là số tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Do vậy, nếu không có quy định cụ thể về khoản thưởng lương tháng 13 trong hợp đồng lao động hay văn bản thỏa thuận khác thì DN không sai. "Trong bối cảnh nhiều DN khó khăn phải giảm giờ làm, thậm chí ngừng hoạt động, do vậy NLĐ đừng vì lợi ích nhỏ mà bỏ qua lợi ích lớn hơn, đó là duy trì quan hệ lao động hài hòa để giữ việc làm và nguồn thu nhập trong thời gian tới" - đại diện LĐLĐ TP Tân Uyên lưu ý.
Bình luận (0)