Một thực tế không thể chối cãi là TPP đã “tiếp cận” đến từng người lao động của mình rồi. Chẳng biết nghe ngóng ở đâu mà anh em xôn xao chuyện 12 nước tham gia TPP đã hoàn tất đàm phán dù có người chẳng biết chính xác TPP là cái gì!
Họ truyền tai nhau rằng gia nhập cái hiệp định đó thì doanh nghiệp Việt Nam lập tức phải thực hiện các cam kết chứ không có ngoại lệ, không có độ trễ dành cho những nước đang phát triển như một số hiệp định khác. Mình bái phục sự nhanh nhạy đến mức hơi quá của công nhân và cũng... giật mình. Chỉ đến khi nghe anh em chất vấn, mình mới tìm hiểu và nắm bắt được một số nội dung cơ bản của TPP.
Về lao động, ở điều 19 có một số quy định mà bất cứ doanh nghiệp nào muốn “ra biển lớn” đều phải nắm bắt. Đó là “loại bỏ sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Các thành viên cũng đồng ý có luật quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Những cam kết này áp dụng cả với các khu chế xuất. 12 nước TPP đồng ý không miễn trừ hoặc giảm hiệu lực của pháp luật quy định việc thực thi các quyền cơ bản của người lao động để thu hút thương mại hoặc đầu tư...”. Không miễn trừ, nghĩa là không có ngoại lệ đối với doanh nghiệp ở các khu chế xuất như từ trước đến nay; nghĩa là từ giờ, các khu chế xuất không còn là “lãnh địa” của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chẳng biết mấy ông bạn mình làm quản lý ở trong đó có biết điều này chưa?
“Sao sếp suy tư vậy?”. Câu hỏi của trưởng phòng nhân sự khiến mình bật cười. Có gì đâu mà suy tư? Mình đang nghĩ đến một chuyện rất tức cười. Đối với công nhân, cái gì liên quan tới nghĩa vụ thì phải nói đi nói lại hàng chục lần họ cũng chẳng nhớ nhưng cái gì liên quan tới quyền lợi thì chẳng cần nói họ cũng nắm bắt rất nhanh.
Dù sao thì cũng cảm ơn những câu hỏi của anh em. Nó khiến mình tỉnh ngộ và nhận ra còn rất nhiều việc phải làm từ giờ cho đến khi TPP được thực thi...
Bình luận (0)