Tại TP HCM, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) vừa tổ chức hội thảo "Vai trò của đại diện lao động và việc giải quyết tranh chấp lao động - Thực trạng và giải pháp". Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động tới đây sẽ có nhiều thay đổi lớn để đáp ứng nhu cầu hội nhập và đây cũng là bước chuyển toàn diện để tương thích với nền kinh tế thị trường.
Luật chưa bám sát thực tiễn
Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội thảo. Ông Nguyễn Văn Bình đơn cử hiện trình tự giải quyết tranh chấp lao động được thiết kế theo nhiều bước bắt buộc mà không qua được bước này thì không thể đi thêm bước tiếp theo. Đây được ví như "con đường độc đạo" rất dài và khó khăn để đến đích. Kết quả là 20 năm qua, các bên quan hệ lao động không thể đi trên con đường này mà phải rẽ sang nhiều hình thức tự phát. "Đình công là một ví dụ điển hình khi có luật mà vẫn chỉ có thể đình công tự phát, các cơ quan chức năng do vậy mà giải quyết những vụ đình công cũng không theo quy định bài bản nào" - ông Bình nói.
Từ thực tế trên, theo các đại biểu, để đình công diễn ra đúng trình tự và bảo đảm quyền của các bên trong quan hệ lao động, việc thay thế "con đường độc đạo" này theo hướng mở rộng cơ hội lựa chọn cho các bên tranh chấp với những phương thức giải quyết khác nhau là rất cần thiết.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng các quy định về thủ tục hòa giải bắt buộc trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân hay tập thể hiện nay rất cứng nhắc, gây khó không chỉ cho các bên trong quan hệ lao động mà còn cho cả cơ quan hòa giải. PGS-TS Bùi Anh Thủy, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), cho biết thực tế, rất ít vụ tranh chấp lao động tập thể được giải quyết thông qua hòa giải như quy định. Do vậy, Bộ Luật Lao động nên sửa theo hướng không quy định hòa giải là bắt buộc đối với các tranh chấp lao đông tập thể về quyền, chỉ được coi là một khuyến nghị để các bên tham khảo lựa chọn.
Người lao động tham gia thương lượng với đại diện công ty trong một vụ ngừng việc
Rắc rối đa tổ chức đại diện người lao động
Một thay đổi lớn đáng lưu ý trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động lần này là việc quy định quyền của người lao động (NLĐ) được phép gia nhập tổ chức đại diện theo 2 cách: tham gia Công đoàn (CĐ) cơ sở thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam và tham gia Tổ chức đại diện của NLĐ (đăng ký với cơ quan có thẩm quyền). Theo các đại biểu, việc sẽ có nhiều hơn một tổ chức đại diện cho NLĐ sẽ dẫn tới những rắc rối khi tương thích với hệ thống thể chế hiện tại.
Theo TS Lê Thị Thúy Hương, Trường Đại học Luật TP HCM, hiện việc dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động mới đặt ra vấn đề đa tổ chức đại diện NLĐ nhưng chưa thật sự hình dung rõ ràng được mối quan hệ giữa các tổ chức này với hệ thống CĐ. Trong khi CĐ Việt Nam hiện tại là tổ chức chính trị xã hội thì các tổ chức đại diện khác chỉ hoạt động trong phạm vi quan hệ lao động. Do vậy, việc thành lập các tổ chức đại diện cho NLĐ tại doanh nghiệp (DN) đòi hỏi phải thay đổi các điều luật tương ứng cho phù hợp và vận hành trôi chảy. Kinh phí hoạt động CĐ hiện tại do DN đóng góp (2%). Vậy các tổ chức khác đại diện NLĐ tại DN hoạt động bằng nguồn kinh phí nào? Hay phải tính toán thêm chuyện phân bổ dựa trên tỉ lệ NLĐ tham gia vào từng tổ chức? Rồi khi cần thương lượng về thang, bản lương hay kỷ luật lao động chẳng hạn, tổ chức nào sẽ đại diện NLĐ?" - bà Hương phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự xuất hiện quá nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ cũng sẽ khiến việc giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động gặp nhiều trở ngại. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu quản lý tốt thì sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức sẽ mang đến quyền lợi tốt hơn cho NLĐ và đây là việc làm cần thiết. Hệ thống của Tổng LĐLĐ Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển mình mạnh mẽ để thực hiện vai trò người đại diện thì tới đây sẽ có thêm nhiều động lực để đổi mới, nhiều cơ hội mở ra những hướng mới" - ông Bình bày tỏ.
Các quy định có độ "vênh"
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, so với các tiêu chuẩn quốc tế thì các quy định của Việt Nam hiện tại có độ "vênh" nhất định, trong đó lớn nhất là vị trí độc tôn của CĐ Việt Nam và việc một số NLĐ, trong đó có lao động nước ngoài, không tham gia được hệ thống CĐ Việt Nam. "Việc tiến tới đa tổ chức đại diện cũng sẽ làm phát sinh những phức tạp mới, đặc biệt khi vừa qua nhiều vụ đình công lại hoàn toàn nằm ngoài quan hệ lao động" - ông Quảng cho biết.
Bình luận (0)