Luật Viên chức quy định trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, tại một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở quận Thủ Đức, TP HCM mới đây, ông N.T.T dù chỉ là phó giám đốc cũng không được ủy quyền từ người đứng đầu đơn vị nhưng vẫn 3 lần ký quyết định đình chỉ công việc đối với bà N.T.H.H, nhân viên khoa khuyết tật, gây bức xúc cho người lao động (NLĐ).
Đã sai còn lý sự cùn
Theo trình bày của bà H., ngày 26-6, cho rằng bà vi phạm nội quy, quy định của cơ quan, nếu tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn trong việc xử lý kỷ luật, ông N.T.T đã ký 3 quyết định đình chỉ công việc của bà. Thời gian đình chỉ tổng cộng 28 ngày, kéo dài từ ngày 26-6 đến 23-7. Trong thời gian này, bà H. chỉ được hưởng 50% lương.
Một buổi hòa giải tranh chấp lao động do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12, TP HCM chủ trì
Đáng nói hơn là hết hạn đình chỉ, bà H. không được bố trí công việc mà phải ngồi "cách ly" trong phòng vi tính không được sử dụng từ lâu, đồng thời bị cắt thưởng thi đua tháng 6 và 7-2018 dù chưa bị xử lý kỷ luật lao động. Bức xúc, bà H. khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Sau buổi làm việc với cơ quan báo chí vào ngày 18-7, giám đốc trung tâm đã ra quyết định thu hồi các quyết định đình chỉ công việc đối với bà H. trước đó, đồng thời cho biết sẽ truy trả đầy đủ 100% tiền lương và phụ cấp trong thời gian đình chỉ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, giám đốc trung tâm này lại "giở quẻ", ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi, tiếp tục công nhận và cho thi hành các quyết định đình chỉ công việc bà H. Lý do giám đốc trung tâm đưa ra là ông N.T.T đã ký quyết định đúng thẩm quyền.
Khẳng định là vậy song tại buổi làm việc với NLĐ và Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM mới đây, đại diện trung tâm đã phải chấp thuận thu hồi toàn bộ quyết định đình chỉ, khôi phục công việc và toàn bộ quyền lợi cho bà H.
Tiếp tay sai phạm
Tư vấn giải quyết nhiều vụ tranh chấp lao động, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận: "Hiện nay, việc quản lý lạm quyền đang xảy ra phổ biến tại nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị. Thực trạng này không chỉ gây thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của DN, gây bất ổn quan hệ lao động".
Trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại của NLĐ, chúng tôi phát hiện lỗi phần nhiều thuộc về chủ DN hoặc người đứng đầu đơn vị khi cố tình phớt lờ, thậm chí tiếp tay cho sai phạm của cấp dưới. Trường hợp xảy ra tại Công ty TNNH B.C (quận 1, TP HCM) mới đây là một minh chứng. Anh Nguyễn Hữu Tình, nhân viên điều phối phòng, cho biết tháng 6-2018, kho để đồ thất lạc của khách ở khu căn hộ thuộc công ty bị trộm, camera quan sát gắn trên tường (do anh Tình được phân công mua trước đó) cũng bị gãy. Sau khi xảy ra sự cố, lấy lý do camera anh Tình mua không đạt chất lượng dẫn đến không ghi được diễn biến vụ trộm, ông Trần Hữu Phú, Tổng quản lý bộ phận quản gia, đã điều chuyển anh sang làm nhân viên vệ sinh khu vực công cộng. Thông báo không ghi thời hạn điều chuyển, được gửi bằng email cho tất cả bộ phận và tổng giám đốc công ty. Nhận được thông báo, anh Tình lập tức gửi email cho tổng giám đốc bày tỏ không đồng tình với việc điều chuyển, song không nhận được phản hồi. Chỉ khi các cơ quan chức năng can thiệp, tổng giám đốc mới nhận lỗi và bố trí lại việc làm cũ cho anh Tình.
Tương tự, cũng vì "bật đèn xanh" cho cấp dưới phạm luật mà mới đây ông L.N.P, Giám đốc Công ty G.M (quận 5, TP HCM), đã phải thu hồi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái luật với NLĐ để hạn chế thiệt hại. Trước đó, vào tháng 7-2018, công ty đột ngột thay đổi địa điểm làm việc của chị Đặng Hồng Phượng từ quận 6 sang huyện Bình Chánh, TP HCM. Do mới sinh con nhỏ, không tiện đi làm xa, chị Phượng đã gửi khiếu nại về quyết định điều chuyển đến giám đốc công ty. Tuy nhiên, người trả lời khiếu nại lại là ông M.V.C, phó giám đốc công ty. "Ông C. yêu cầu tôi chấp hành quyết định bố trí công việc, nếu tôi không đồng ý thì có thể xin nghỉ việc. Khi tôi đến địa điểm cũ làm việc, không chỉ bị "cấm cửa" mà còn bị cho nghỉ việc. Quyết định nói trên cũng do ông C. ký" - chị Phượng bức xúc. Sau phiên hòa giải do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 5 tổ chức, giám đốc công ty đã thu hồi quyết định thôi việc và bố trí lại công việc tại địa điểm cũ cho chị Phượng.
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM:
Kiểm soát chặt hành vi quản lý
Việc nhân sự quản lý lạm quyền chèn ép NLĐ là nguyên nhân gây ra tranh chấp lao động tại nhiều DN. Do vậy, ngoài nắm vững quy định pháp luật, các DN cần có cơ chế điều hành và kiểm soát hành vi của nhân sự quản lý nhằm bảo đảm họ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời phải xử lý nghiêm khi phát hiện nhân sự này vi phạm, tránh dung túng, bao che.
Bình luận (0)