Thế hệ Z, hay còn gọi là gen Z, tức là những người sinh từ năm 1997 trở đi đang trong độ tuổi lao động theo định nghĩa của Forbes. Thế hệ Z đã và đang trở thành nhóm định hình xu hướng về mọi mặt từ giải trí, thời trang cho đến tiêu dùng, việc làm...
Các cuộc nghiên cứu về lao động, việc làm trên thế giới chỉ ra rằng, trong vòng 5 năm tới, thế hệ Z sẽ làm mọi thứ rung chuyển khi sở hữu những ưu thế và kỳ vọng mới tại nơi làm việc. Là người theo dõi và nghiên cứu chuyên sau về các thế hệ lao động hiện đại, bà Phạm Lan Khanh, sáng lập và điều hành mạng việc làm FreelanceViet cho rằng việc tìm ra những nhân tài qua từng thế hệ là nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà tuyển dụng. Đến thế hệ Z cũng vậy, nhà tuyển dụng không những phải hiểu rõ nguồn nhân lực này mà còn phải học cách thích nghi với sự khác biệt của thế hệ này trong tuyển dụng.
Theo bà Khanh, tính ổn định trở thành một trong những tiêu chí ưu tiên khi thế hệ Z chọn việc làm. Điều này không quá ngạc nhiên vì họ là những người đã chứng kiến cảnh gia đình đi qua cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008. Thế hệ Z là nguồn nhân lực có xu hướng tìm kiếm và gắn bó lâu dài với một vị trí công việc, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp tăng trưởng cao như chăm sóc sức khỏe và công nghệ.
Gen Z đang chiếm đến 25% lực lượng lao động tại Việt Nam
"Thế hệ Z cực kì bị thu hút bởi các cơ hội và môi trường doanh nghiệp khởi nghiệp. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, 61% học sinh trung học theo đuổi ước mơ thành lập công ty hoặc tự kinh doanh thay vì trở thành nhân viên ở một công ty nào đó" – bà Khanh nói.
Thông tin này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả tuyển dụng của công ty trong tương lai. Nếu nhà tuyển dụng muốn tuyển dụng thành công thế hệ Z thì buộc phải hiểu điều gì ở một người khởi nghiệp và các mô hình Start-up lại thu hút nguồn nhân lực tương lai này đến như vậy. Từ đó, nhà tuyển dụng mới có thể vận dụng vào chiến lược tuyển dụng của mình một cách hiệu quả để thu hút nhân tài gen Z.
Thế hệ Z lớn lên bên cạnh sự phát triển của internet, công nghệ cùng một lượng thông tin khổng lồ khiến họ sẽ có cái nhìn đa chiều hơn trong mọi việc. Gen Z cũng tự nhận thức được việc sống phụ thuộc vào mạng Internet đã phần nào hạn chế sự phát triển các kỹ năng giao tiếp, thiết lập, duy trì và phát triển các mối quan hệ của con người.
Gen Z cũng là những người khó tập trung 30 giây vào bài phát biểu bình thường, nhưng họ lại có thể lắng nghe một câu chuyện hay trong 30 phút. Một trong những cách hiệu nghiệm để thu hút và dẫn dắt gen Z vào câu chuyện tuyển dụng chính là sử dụng video. Các tin tuyển dụng và tài liệu đào tạo dưới dạng video sẽ cực kì quyền lực trong việc thu hút những con người có thể dành cả đời để chụp ảnh selfie và xem video trên smartphone này hơn hẳn những nội dung dưới dạng văn bản.
Thế hệ Z thích làm việc độc lập vì thế họ được ví như những con người cô đơn. Lý do đưa ra cho điều này là bởi những hạn chế trong kỹ năng giao tiếp và kết nối với mọi người xung quanh do ảnh hưởng của công nghệ. Đối với gen Z, họ sẽ tự hỏi tại sao phải đấu tranh với dòng người trên đường để có mặt ở công ty 8 tiếng mỗi ngày trong khi có thể kết nối với bất kì ai với chỉ vài chạm trên smartphone hay laptop.
Khác với các thế hệ trước, thế hệ Z muốn làm việc cho một công ty có trách nhiệm với xã hội và tạo ra giá trị lớn hơn. Các công ty liên quan đến các vấn đề về phá hoại môi trường, phân biệt đối xử hoặc lừa dối nhân viên trong các vấn đề tài chính sẽ phần nào bị hạn chế cơ hội mang về cho mình những ứng cử viên tốt nhất từ thế hệ này.
"Tóm lại, mỗi thế hệ mới đều có những điểm khác biệt, mong đợi và kì vọng riêng. Nhà tuyển dụng thông minh sẽ là những người tiên phong nhận ra sự khác biệt trên và đưa ra chiến lược thu hút nhân tài hiệu quả. Những nhà lãnh đạo tiến bộ, luôn làm mới mình cùng với các xu thế công nghệ mới nhất và có trách nhiệm với xã hội sẽ là những người đứng vững nhất và dẫn đầu trong tương lai không xa" – bà Khanh chia sẻ.
Bình luận (0)