Tại hội nghị trực tuyến "Nơi làm việc tốt nhất", Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM) cho biết xu hướng chuyển dịch từ chỉ làm một công việc toàn thời gian tại một công ty cố định (Full-time worker) sang làm việc tự do - chỉ nhận dự án độc lập, freelance, cộng tác viên ngắn hạn, không ký hợp đồng cố định, đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Kiếm thêm nhờ "nghề tay trái"
Theo kết quả khảo sát từ Công ty CP Anphabe, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian (Fully gig worker). Bên cạnh đó, nhóm lao động tự do bán thời gian (Partly gig worker) cũng chiếm tỉ lệ khá lớn, với 26% người làm công việc cố định vẫn sẵn sàng nhận việc tự do bên ngoài khi phù hợp và 13% vẫn làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài như dạy tiếng Anh sau giờ làm, bán hàng online, bán bảo hiểm… Như vậy, hiện có tới 53% nguồn nhân lực tri thức đã tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (Gig economy - nền kinh tế có sự tham gia đông đảo của lực lượng lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi nhiều khách hàng).
Ngoài công việc hành chính, Trịnh Thị Huyền với “nghề tay trái” là làm bánh
Trong thời gian tới, do ảnh hưởng dịch Covid-19, số lượng người làm việc tự do toàn thời gian dự kiến giảm 1%, còn 13% do một số người muốn kiếm việc ổn định hơn. Nhưng số làm việc tự do bán thời gian sẽ tăng từ 39% lên 44%, nâng tổng số nguồn nhân lực tri thức tại Việt Nam có tham gia vào nền kinh tế chia sẻ lên 57%, thể hiện rõ xu hướng này.
Tiêu biểu là cô gái trẻ Trịnh Thị Huyền, nhân viên hành chính Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TP HCM. Tận dụng thời gian rỗi trong lúc giãn cách xã hội, Huyền làm nhiều loại bánh mì phục vụ cho bữa ăn sáng của các gia đình. Nhiều gia đình dùng thử khen ngon nên đặt Huyền làm thêm, từ đó "tiếng lành đồn xa". Vậy là Huyền có thêm "nghề tay trái". Các món bánh được Huyền chọn lựa thật kỹ từ nguyên liệu để màu tự nhiên của trái cây, lá dứa, sầu riêng… nên được khách hàng tín nhiệm. Ban đầu chỉ bán cho người quen, bạn bè trên Facebook, Zalo, dần dần Huyền có hẳn một doanh nghiệp (DN) đặt số lượng lớn để bán ở căng tin công ty.
"Tôi luôn ghi nhận và tiếp thu những góp ý về chất lượng từ khách hàng để hoàn thiện hơn ở lần sau. Dù rất bận rộn nhưng khi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng tôi rất vui" - Huyền bộc bạch. "Nghề tay trái" cũng giúp Huyền có thêm một khoản thu nhập để gửi về quê phụ giúp gia đình.
Chủ động thời gian
Tốt nghiệp ngành báo chí truyền thông, chị Nguyễn Ngọc Thắm, trưởng nhóm của Công ty TNHH Bảo hiểm Manulife Việt Nam, làm PR và quản trị website cho một vài DN. Cuối năm 2018, khi Thắm bỏ công việc quản trị website tại một tổng công ty nhà nước để làm bảo hiểm, nhiều người cho rằng chị "phiêu lưu". Thế nhưng, Thắm quyết tâm theo đuổi lựa chọn của mình bởi chị muốn tìm một công việc mới, bứt phá và tự chủ về thời gian.
Nhiệt tình, tận tâm, lại đi theo phân khúc bảo hiểm cho mẹ và bé, Thắm dần dần có nguồn khách hàng ổn định. Trong dịch Covid-19, dù bị "kẹt" lại ở Tây Ninh suốt 6 tháng nhưng chị vẫn làm tốt công việc của mình bằng các thiết bị công nghệ. Họp hành, tư vấn, gặp gỡ khách hàng… đều được cô gái trẻ thực hiện qua các phần mềm. "Trong dịch Covid-19, tôi càng thấy sự tiện dụng và làm chủ thời gian của công việc này. Tôi có thể làm việc ở mọi nơi, mọi thời gian chứ không bị động và không phải đến công sở như nhiều người khác. Hiện 11 bạn trong team của tôi cũng có bạn làm việc toàn thời gian, cũng có bạn đang làm nhân viên hành chính, môi giới bất động sản…" - Thắm cho biết.
Khảo sát của McKinsey @ Company (một công ty tư vấn quản lý toàn cầu, có trụ sở chính tại New York, Mỹ) năm 2020 phỏng vấn 800 CEO các tập đoàn lớn thuộc nhiều ngành tại 8 quốc gia cũng hé lộ rằng đối với các vị trí cần trong và ngoài DN, 70% lãnh đạo sẽ tích cực thay thế một phần nhân viên toàn thời gian bằng nhân viên thời vụ, ngắn hạn để ứng phó tốt hơn với những biến động khó lường của dịch Covid-19. Nhu cầu là vậy nhưng để tìm và xây dựng được một hệ thống nhân sự tự do luôn sẵn sàng hợp tác khi DN cần không hẳn là dễ và cần một chiến lược bài bản.
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Công ty TNHH Anphabe, cho biết thực tế cũng ghi nhận nhu cầu sử dụng lao động tự do tại các DN Việt khá lớn khi 55% người đi làm chia sẻ rằng công ty họ đã hoặc đang hợp tác với nguồn lực mới này theo nhiều hình thức. Năm lý do chính mà các lãnh đạo cho rằng nên tận dụng hiệu quả lực lượng lao động tự do và nền kinh tế chia sẻ một cách chiến lược hơn trong thời gian tới, đó là tiết kiệm chi phí, tuyển dụng nhanh chóng khi cần, linh hoạt mở rộng hoặc thu hẹp nguồn nhân lực theo nhu cầu, bổ sung chuyên môn cần thiết trong ngắn hạn và gia tăng sự đa dạng về kỹ năng trong tổ chức.
Bình luận (0)