Kết thúc chương trình, đã có 290.311 lượt đăng ký sáng kiến đến từ tất cả 83 đầu mối Công đoàn cấp tỉnh, TP, ngành trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi trực tiếp trên hệ thống phần mềm trực tuyến (địa chỉ https://sangkien.congdoanvietnam.org). Trong số đó có 250.177 sáng kiến cập nhật đầy đủ thông tin hợp lệ theo quy định.
Cảng Bến Nghé - đơn vị tích cực hưởng ứng chương trình “75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đánh giá về sự lan tỏa của chương trình, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết hầu hết sáng kiến đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và có tính ứng dụng cao. Mỗi một sáng kiến này không chỉ là minh chứng cho tinh thần sáng tạo mãnh liệt mà còn thể hiện sự gắn kết giữa đoàn viên, người lao động với doanh nghiệp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đó cũng là lý do vì sao chương trình nhận được sự ủng hộ từ phía người sử dụng lao động, biểu hiện qua hoạt động tri ân đối với những ý tưởng xuất sắc của người lao động (NLĐ). Điển hình như Công ty TNHH Pousung Vina (tỉnh Đồng Nai) tổ chức cuộc thi "Sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2021" và thưởng 10 triệu đồng cho công nhân có sáng kiến tiết kiệm 10.000 USD/tháng. "Bài học kinh nghiệm từ chương trình là hoạt động Công đoàn phải tập trung vào những nội dung, vấn đề cụ thể. Các cấp Công đoàn cần tiếp cận với những cách làm mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của đoàn viên và NLĐ. Phải làm cho đoàn viên và NLĐ tham gia một cách tự giác, trách nhiệm và hưởng thụ lợi ích từ phong trào thi đua, đó mới là thước đo đánh giá hiệu quả và tính thiết thực trong hoạt động Công đoàn" - ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Bình luận (0)