Kết quả điều tra lao động, việc làm quý III/2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy mặc dù tình hình việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) đã có sự cải thiện so với quý trước song tác động của Covid-19 lên thị trường lao động vẫn rất nặng nề. Qua khảo sát, chính sách tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) đã có sự thay đổi nhất định, trong đó đòi hỏi nhiều ở trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm của NLĐ.
Việc làm, phúc lợi bền vững
Theo các chuyên gia lao động, về mức lương không có biến động lớn nhưng mỗi DN sẽ có cơ chế trả lương riêng để giữ chân nhân tài cũng như chính sách ưu đãi khác nhau về mặt quyền lợi và thu nhập.
Bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chế độ đãi ngộ khá tốt để thu hút nguồn nhân lực.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Không khó phác thảo bức tranh toàn cảnh này qua các phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại các TP lớn, nơi nguồn cung lao động rất dồi dào. Phiên giao dịch việc làm lưu động Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội tổ chức tại huyện Đông Anh đã thu hút gần 40 DN tham gia, đăng ký tuyển dụng 1.500 lao động. Qua phân tích, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỉ lệ cao nhất là 44,8%; trình độ trung cấp - công nghệ kỹ thuật chiếm 35,6%. Đáng lưu ý là 26/39 DN tham gia tuyển dụng đưa ra mức lương dao động từ 5 triệu đến trên 15 triệu đồng/tháng cho NLĐ. Đại diện phòng nhân sự một DN tham gia phiên giao dịch cho biết nhằm đón đầu thời cơ hậu Covid-19, công ty chỉ tuyển ứng viên có trình độ từ trung cấp trở lên. Sau khi được tuyển dụng, ứng viên sẽ được tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, được bố trí công việc phù hợp chuyên môn với đãi ngộ thỏa đáng về lương, thưởng.
Từ đầu quý IV/2020, thị trường lao động TP HCM cũng có dấu hiệu phục hồi, tập trung ở các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải... Qua khảo sát, nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,26%. Bất chấp khó khăn, nhiều DN đã đưa ra chế độ đãi ngộ khá tốt để thu hút nguồn lực chất lượng.
Sau gần 3 tháng thất nghiệp, mới đây, anh Lâm Phú Thọ (quận 11, TP HCM) đã tìm được việc làm mới ở một DN tại KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP HCM). "Ứng tuyển vào vị trí nhân viên bảo trì thiết bị, tôi phải trải qua 2 vòng phỏng vấn, từ kiến thức chuyên môn đến an toàn lao động. Nhờ đã có kinh nghiệm hơn 7 năm làm việc nên tôi vượt qua được sát hạch, được ký hợp đồng 2 năm với thu nhập cứng là 12 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp khác" - anh Thọ cho biết.
Bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết công ty đang có nhu cầu tuyển nhiều công nhân (CN) hệ vừa học vừa làm. Lý giải về khái niệm "vừa học vừa làm", bà Oanh cho biết những CN mới vào làm sẽ được bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên để rèn giũa kỹ năng cho đến khi thành thạo với công việc. "NLĐ đến với công ty sẽ được đào tạo miễn phí, nhận mức thu nhập thỏa đáng, chưa kể các khoản thưởng khác. Ngoài ra, họ còn được đưa đón về quê ăn Tết miễn phí và tất nhiên là hưởng đầy đủ các loại bảo hiểm theo pháp luật lao động. Với những chính sách như vậy, mục tiêu chúng tôi hướng đến là việc làm, phúc lợi bền vững cho NLĐ" - bà Oanh khẳng định.
Kết nối cung - cầu
Trong nỗ lực kết nối thị trường việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) các tỉnh, thành đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp NLĐ, nhất là NLĐ mất việc do dịch Covid-19, sớm có việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương, cho biết những tháng cuối năm, ngoài tăng tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm, trung tâm sẽ liên kết, cung cấp thông tin tuyển dụng của các DN tại tỉnh Bình Dương với các tỉnh có lực lượng lao động cần việc. Đặc biệt, trung tâm sẽ phối hợp cùng Trung tâm DVVL TP Cần Thơ cung cấp thông tin về "Thị trường lao động dành cho người thất nghiệp khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận" năm 2020. Đây là cơ hội miễn phí để các DN đưa thông tin tuyển dụng đến với những tỉnh lân cận và có mong muốn tuyển lao động khu vực miền Tây Nam Bộ.
Tương tự, Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai cũng đang triển khai các giải pháp tăng cường thông tin về thị trường lao động và hoạt động tư vấn để nâng cao cơ hội việc làm cho NLĐ. Trung tâm sẽ thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của DN cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ để xây dựng cơ sở dữ liệu về cung và cầu. Từ đó, trung tâm kết nối với nhà tuyển dụng bằng nhiều hình thức; đồng thời tăng cường đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp để họ sớm quay lại thị trường lao động, có việc làm ổn định. Để hỗ trợ cho DN, NLĐ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở LĐ-TB-XH TP HCM cũng đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ cho lao động thất nghiệp như học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tăng cường các sàn giao dịch việc làm giúp NLĐ tìm được việc làm mới phù hợp.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết sau 2 đợt dịch, nhiều DN dịch vụ - du lịch vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa dám "bung sức", dẫn đến nhiều lao động vẫn chưa có việc làm trở lại. Lực lượng lao động tham gia ngành du lịch - dịch vụ khoảng 51.000 người, song đến nay số lao động có việc làm chỉ khoảng 25%-30%, còn lại phần lớn đều bị tạm ngừng việc, nhận cứu trợ hoặc làm việc nhận nửa lương.
"Con số này sẽ tăng nhưng phụ thuộc vào sự phục hồi, hy vọng sẽ tăng lên trên 50% từ sau Giáng sinh khi thị trường khách nội quay trở lại, mong sao phục hồi được như năm 2019" - ông Dũng cho biết.
Để góp phần vực dậy mảng du lịch - dịch vụ sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đồng thời giải quyết việc làm cho NLĐ, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai các chương trình kích cầu, nhắm đến thị trường khách nội địa trong dịp Giáng sinh và năm mới. Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở các phiên chợ việc làm để kết nối cung và cầu. "Chỉ cần DN hoạt động trở lại, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để kết nối nhanh chóng, hiệu quả giữa DN và NLĐ cần việc" - ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, cho hay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-11
Kỳ tới: Dồn sức lo Tết cho người lao động
Duy trì các gói hỗ trợ doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, để phục hồi thị trường lao động, nhà nước cần thực hiện các chính sách kích cầu, cắt giảm thuế, hỗ trợ chuyển dịch lao động từ làm việc trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số để tạo nhiều cơ hội việc làm linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, khi chưa biết bao giờ dịch mới kết thúc, các gói hỗ trợ DN và an sinh xã hội của nhà nước nên tiếp tục được duy trì, thậm chí là dài hơi, ít nhất là đến đầu năm 2021.
Bình luận (0)