Khác với bầu không khí ảm đạm những tháng quý I, II, đến cuối quý III, đặc biệt là trong quý IV, nhu cầu tuyển dụng đã khởi sắc trở lại. Một kết quả khảo sát vừa được ManpowerGroup Việt Nam công bố cho thấy đầu quý III/2020, triển vọng tuyển dụng xuất hiện dấu hiệu phục hồi với hơn 38% doanh nghiệp (DN) hoạt động tuyển dụng sẽ trở lại tình trạng trước Covid-19 trong vòng 3 tháng tới; 21% DN dự kiến phục hồi trong vòng 6 tháng và 35% DN dự kiến trong vòng hơn 6 tháng đến 12 tháng. Nhóm 5 ngành nghề hàng đầu dự đoán hoạt động tuyển dụng sẽ phục hồi mạnh bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông (18%); bán sỉ, bán lẻ và thương mại (17%); chế biến - sản xuất (14%); dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp (10%) và chăm sóc sức khỏe, y tế (9%).
Vơi bớt nỗi lo thất nghiệp
Theo đánh giá của ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, thị trường lao động, việc làm tại TP HCM khởi sắc trở lại từ quý III và sẽ bùng nổ trong thời gian tới do các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Theo ông Tuấn, sức ấm của thị trường lao động, việc làm đến từ thành quả khống chế tốt dịch Covid-19 của Chính phủ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại gần như đã trở lại trạng thái bình thường, duy chỉ có một số ngành dịch vụ liên quan đi lại, du lịch còn phục hồi chậm do các hoạt động giao thương quốc tế vẫn còn khó khăn do nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn với dịch bệnh. Ông Tuấn tin tưởng tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhanh do nhu cầu hoạt động của các DN, đặc biệt là các DN sản xuất.
Trong quý IV/2020, thị trường lao động tại TP HCM đã khởi sắc trở lại Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từng phải cho hơn 100 lao động nghỉ việc vì không có đơn hàng, ông Cao Bảo Lại, chủ một DN may mặc tại quận Bình Tân (TP HCM), vui mừng cho biết hiện đã gọi được hơn 50 lao động cũ quay lại làm việc và tuyển mới 20 lao động. DN của ông có kế hoạch tuyển thêm 100 lao động cho đến cuối năm để phục vụ sản xuất đơn hàng mới. Dù gặp nhiều khó khăn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng hơn 1 tháng nay, công ty của ông Lại đã chạy đủ công suất với những đơn hàng của một đối tác Đài Loan (Trung Quốc). "Họ vốn là một trong nhiều đối tác của công ty tôi nhưng hai bên đã ngưng hợp tác từ tháng 4 do dịch Covid-19. Cách đây 2 tháng, họ đã chủ động nối lại hợp tác và đơn hàng mới có thể tạo việc làm cho hơn 200 lao động cho đến hết quý II/2021. Giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động (NLĐ) khiến đầu óc tôi cảm thấy nhẹ nhàng" - ông Lại chia sẻ.
Một DN cùng ngành khác cũng chung niềm vui như ông Lại, đó là Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM). Cũng lâm vào cảnh khó khăn từ giữa năm 2020, khi đó 300 NLĐ của công ty phải nghỉ chờ việc 10 ngày. Sau đó, đơn hàng công ty phục hồi lại toàn bộ và còn tăng thêm một số đơn hàng từ khách hàng ở châu Âu. Do đó, thời điểm này, công ty phải tuyển thêm 60 lao động mới, tăng ca đêm để đáp ứng thời gian giao hàng.
Ông Trần Anh Tuấn nhận định khi DN gia tăng tuyển dụng cũng đồng nghĩa với việc gia tăng cơ hội việc làm cho NLĐ đang làm việc. Việc các DN gia tăng tuyển dụng là tín hiệu tích cực dù số lượng tuyển dụng không ồ ạt nhưng sẽ giải quyết một phần lao động thất nghiệp. Nhờ đó, NLĐ cũng bớt đi nỗi lo thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Nhiều lựa chọn
Khi thị trường lao động ấm lên, không chỉ chủ DN, NLĐ cũng được hưởng lợi nhiều bởi có nhiều sự lựa chọn, khác với những tháng trước đây là có gì làm nấy, miễn là có việc làm. Bạn Lê Thị Kiều Phi (23 tuổi, quê Bình Định) cho biết đã tìm được việc làm đúng chuyên môn sau hơn 3 tháng thất nghiệp.
Là một kỹ sư công nghệ thực phẩm, Kiều Phi từng làm cho một công ty chuyên sản xuất thực phẩm tại KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP HCM). Dịch Covid-19 bùng phát buộc công ty phải cắt giảm nhân sự và Phi nằm trong danh sách bị cắt giảm. "Mấy tháng thất nghiệp thật vất vả. Tôi xin việc khắp nơi. Giữa tháng 10, tôi nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ nhiều công ty khác nhau. Thay vì vội vàng đồng ý, tôi đã có một khoảng thời gian chọn lựa và đã tìm được vị trí công việc phù hợp và mức lương tương xứng. Nỗi ám ảnh mất việc đã tan biến" - Kiều Phi bộc bạch.
Lê Việt Cường (31 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) cũng vừa được nhận vào vị trí kỹ sư vận hành thiết bị tại một DN gia công bao bì sau hơn 5 tháng thất nghiệp. Cường cho biết công ty gần nhà, mức lương cũng khá hơn nhưng quan trọng là công ty có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho những vị trí thường xuyên phải làm ca đêm như Cường. Đây là vị trí công việc mà Cường cảm thấy hài lòng nhất trong gần 10 năm đi làm của mình. Với Cường, có việc làm sau những tháng chạy xe ôm công nghệ đã giúp anh cảm thấy tự tin trở lại, không còn cảnh chán chường mỗi khi đi ngang công ty cũ đang đóng cửa chờ phá sản.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng và Tư vấn nhân sự ManpowverGroup Việt Nam, cho biết thị trường việc làm khởi sắc trở lại không chỉ mang đến cơ hội cho NLĐ phổ thông mà các vị trí việc làm cao cấp cũng đang được săn đón. Nguyên nhân một phần do xu hướng dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam của các công ty đa quốc gia, những tập đoàn lớn. "Những kết quả ấn tượng về việc khống chế dịch Covid-19 đã khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam một lần nữa gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế. Nhiều tập đoàn lớn đã quyết định chuyển nhà máy của mình sang Việt Nam và đây là cơ hội cho NLĐ cấp cao người Việt vì các DN ngoại đều muốn có được nhân sự am hiểu địa phương cho kế hoạch kinh doanh của họ" - bà Trang nói.
Bà Trang cho biết các vị trí việc làm cấp cao được săn đón nhiều nhất hiện nay bao gồm: Trưởng phòng kinh doanh, marketing và PR kỹ thuật số; kỹ sư và quản lý công nghệ thông tin (bao gồm các ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, bất động sản, FMCG; gia công phần mềm; khởi nghiệp công nghệ và năng lượng tái tạo). Ngoài ra, do sự phát triển của công nghệ và tác động của Covid-19, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ cần nhiều nhân sự quản lý, phát triển hệ thống IT và quản lý kinh doanh.
Kỳ tới: Vừa tuyển dụng vừa giữ chân
Bình luận (0)