Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhiều loại hình công việc trong suốt 2 năm bùng dịch. Theo các chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu thị trường lao động, dưới tác động của đại dịch, dự báo các xu hướng công việc trong năm 2022 tiếp tục có những thay đổi đáng kể.
TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội nhận định doanh nghiệp đang có xu hướng hoặc đầu tư máy móc tự động hóa để dần thay thế con người hoặc tuyển dụng và trả lương người lao động theo sản phẩm, không nhất thiết phải theo mô hình ký giao kết hợp đồng lao động.
Xu hướng này được mở rộng và là tất yếu trong thời gian tới vì doanh nghiệp ngày càng muốn tối ưu hóa hoạt động sản xuất dịch vụ, trong khi đó, bối cảnh dịch Covid-19 là một "chất xúc tác" khiến xu hướng này đi nhanh hơn. Hơn nữa người lao động có tay nghề ngày càng có xu hướng làm việc từ xa, làm nhiều việc khác nhau chứ không nhất thiết phải làm một công việc duy nhất.
Sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành tìm việc làm trong ngày hội việc làm
Lao động giản đơn sẽ yếu thế
Xu hướng trả lương mới quy trách nhiệm cho người lao động, đồng thời, có khả năng biến thành "cuộc đua tranh" về sản phẩm, rất dễ đào thải những lao động lớn tuổi, lao động giản đơn.
Lao động giản đơn (lao động không đòi hỏi phải đào tạo về chuyên môn) không có nhiều lựa chọn và có thể bị ép vào cuộc chơi này, làm nhiều hơn để có tiền sống.
Về quan hệ lao động, thời gian ban đầu, có thể sẽ diễn ra nhiều xung đột giữa người lao động và doanh nghiệp, dễ thấy gần đây nhất là những vụ công nhân ngừng việc tập thể liên quan thay đổi hình thức trả lương.
Xu hướng "phi chính thức" gia tăng
Những đô thị lớn như TP HCM sẽ chứng kiến việc số lượng lao động phi chính thức (tức làm việc không có giao kết hợp đồng lao động) gia tăng. Nguyên do tương tự nêu trên, xuất phát từ hai phía doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi nhuận hơn, còn người lao động ngày càng thích tự chủ, linh hoạt (có thể làm nhiều việc), ít áp lực...
Lao động trên các nền tảng công nghệ có thể trở nên chính thức
Tuy nhiên, hướng ngược lại, lao động trên nền tảng công nghệ số như tài xế xe công nghệ, người làm việc thông qua các ứng dụng công nghệ kết nối rất có thể chuyển sang hướng chính thức. Bởi lẽ, rất nhiều tài xế coi đây là một ngành nghề chính thức, nên trong tương lai, có thể có nhiều thay đổi, bổ sung liên quan đến "danh phận" của nhóm này trong vận động chính sách.
Tài xế xe công nghệ có thể sẽ được trở thành người làm việc có giao ước hợp đồng lao động
Chi phí tiêu dùng sẽ tăng cao nếu thiếu lao động phi chính thức
Lao động di cư trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể để khoả lấp những thiếu hụt lao động do lao động về quê tránh dịch. Trong trường hợp lao động di cư trở lại dè dặt, chi phí tiêu dùng sẽ bị đẩy lên vì thị trường thiếu lao động phi chính thức, khan hiếm lao động chân tay.
Đơn cử, nếu một công ty cần vận chuyển thông thường sẽ thuê mướn lao động phi chính thức để có giá rẻ hơn, tuy nhiên nếu thiếu vắng nhóm này, họ buộc phải thuê nhân công khác/đơn vị khác và gia tăng chi phí tiêu dùng sản phẩm. Trước đây, thị trường tiêu dùng tương đối bình ổn vì có sự tham gia đông đảo của lao động phi chính thức.
Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm
Với xu hướng làm việc từ xa, một số ngành nghề thu hẹp và được máy móc thay thế, nhất là đối với khối văn phòng, hành chính, kế toán... Đồng thời, với khối văn phòng, đòi hỏi nhân viên đều phải sử dụng nền tảng số để xử lý công việc.
Xu hướng này, cùng với việc con người ngày càng tương tác trên không gian mạng nhiều hơn, cũng là cơ hội, kích thích ngành nghề sáng tạo, kỹ năng gắn với công nghệ, tư duy sáng tạo, các kỹ năng mềm về "visual" (trực quan) như thiết kế, marketing... Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi mức độ, thời gian làm việc chính xác và trách nhiệm cao hơn...
Một số lĩnh vực hiện hữu như xuất bản sẽ có xu hướng "độc đáo" hóa, làm ra các sản phẩm xa xỉ, hàng chất lượng, "handmade" nhiều hơn.
Trong khối ngành nông nghiệp, có thể thấy nhiều hơn mô hình nông nghiệp gắn liền với nghỉ dưỡng, có cung cấp dịch vụ thụ hưởng cho những người khác.
Hội chữ thập đỏ TP Thủ Đức tặng nhu yếu phẩm cho lao động tự do
Hiểu rõ lao động di cư
Gói hỗ trợ Covid-19 khẩn cấp thời gian qua khi thực hiện cho thấy nhiều lúng túng, đồng thời nó cũng cho ra những bài học kinh nghiệm về cách thức tổ chức. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là phải hiểu lao động di cư. Theo TS Nguyễn Đức Lộc, lao động di cư thường âm thầm làm việc, có hướng né tránh những gì gọi là "chính thức". Họ dễ bị tổn thương nhiều mặt, chỉ còn lại tên mình, nhưng ví dụ như khai báo tên, làm thẻ ngân hàng..., họ vẫn sợ bị lừa, gặp phiền phức... Nhà nước cần thực hành cho lao động di cư, để họ an tâm, tránh những lúng túng bị lặp lại. Các chính sách đưa ra cần hiểu sâu về lao động di cư, bằng không sẽ khó "gặp gỡ" nhau.
Hệ thống an sinh xã hội cho lao động phi chính thức
Việc xây dựng một hệ thống quỹ an sinh xã hội dành cho lao động phi chính thức là giải pháp được thực hiện trong thời gian tới, để họ có thể tham gia vào, giảm rủi ro như thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, mô hình này còn gặp nhiều thách thức, bởi người lao động chân tay, thu nhập rất ít nên họ có xu hướng không muốn chi những khoản tiền này, mà thay vào đó sẽ phụ thuộc vào an sinh xã hội tự nhiên như trong gia đình, con cái sẽ lo cho bố mẹ...
Người lao động xem thông tin doanh nghiệp tuyển dụng ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore
Bước tiến làm việc từ xa
Khi công việc phân tán nhiều hơn về mặt địa lý, người quản lý ít có cái nhìn rõ hơn về những gì nhân viên đang làm. Điều này dẫn đến việc xếp hạng hiệu suất không chính xác và có khả năng thiên vị dựa theo nơi nhân viên làm việc hơn là hiệu suất của họ.
Cuộc khảo sát của Gartner HR mới đây với gần 3.000 quản lý cho thấy 64% quản lý và giám đốc điều hành tin rằng nhân viên làm việc tại văn phòng đạt hiệu suất cao hơn nhân viên làm việc từ xa. 76% tin rằng nhân viên làm việc tại văn phòng có khả năng được thăng chức cao hơn.
Trong tương lai, các công cụ tương tự mà nhân viên đang dùng để làm việc sẽ được sử dụng trong việc đánh giá những đóng góp của nhân viên. Ví dụ, trong các cuộc họp trực tuyến, công nghệ mới có thể nhắc quản lý quan tâm tới những người không tích cực trong cuộc họp như những người khác. Chúng sẽ khiến người tham gia điều chỉnh lại các loại tương tác cần thiết.
Bình luận (0)