“Đối với công nhân (CN) nhập cư chúng tôi, học tập và làm theo gương Bác Hồ không phải là điều gì quá to tát. Bác Hồ nói lao động là vinh quang, vì vậy học Bác, tôi luôn cố gắng làm việc cật lực, hoàn thành tốt chỉ tiêu và nuôi sống gia đình mình”. Chị Hoàng Thị Hoa, CN Công ty May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP HCM), đã bày tỏ như vậy tại lễ tuyên dương CNVC-LĐ tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do LĐLĐ quận Gò Vấp tổ chức sáng 12-5.
Miệt mài cống hiến
83 gương điển hình được tôn vinh là những điểm sáng của tinh thần vượt khó để khẳng định bản thân, đam mê và sống trọn vẹn với nghề. Chị Hoa cũng là một người như vậy.
Vóc người nhỏ nhắn nhưng thao tác rất nhanh nhẹn và chuẩn xác, người phụ nữ quê Thanh Hóa ấy nhiều năm liền đạt năng suất cao nhất trong tổ may tổng hợp gồm 54 CN. Mỗi tháng, chị Hoa có thể may khoảng 35 chiếc áo kimono, trong khi năng suất bình quân trong tổ là 25-30 chiếc/người. Hầu hết sản phẩm do chị làm ra đều được ban giám đốc đánh giá cao ở từng đường kim mũi chỉ, đặc biệt là ít khi mắc lỗi.
Chị Hoa cho biết chị rất thích nghề may nên khi quyết định vào TP HCM lập nghiệp, việc đầu tiên là đi học may và vào làm lại Công ty May thêu Hà Giang. Với tinh thần chịu thương chịu khó, chấp nhận đi sớm về trễ để học nghề, chỉ sau một năm, chị đã là thợ may thành thạo - điều hiếm có ở những CN mới chập chững vào nghề. Khiếu may vá, nỗ lực tự thân, đặc biệt là chí tiến thủ đã giúp chị khẳng định chỗ đứng trong tổ, nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động xuất sắc tại đơn vị. Chia sẻ bí quyết thành công, chị thành thật: “Tôi yêu công việc mình đang làm và cố gắng làm thật tốt vì công ty, vì gia đình”.
Đối với anh Tăng Văn Tư, CN Công ty May Top One, học tập Bác Hồ cũng không gì ngoài nỗ lực lao động và sáng tạo. Với suy nghĩ ấy, suốt những năm qua, anh luôn cố gắng tìm tòi những giải pháp cải tiến máy móc, từ đó hàng loạt sáng kiến có giá trị ra đời. Điển hình là việc cải tiến hệ thống máy gò hơi, nén khí từ thủ công qua tự động. Nhận thấy những bất cập trong việc vận hành máy móc thủ công - vừa tốn nhân lực vừa dễ sai sót, anh mạnh dạn đề xuất ban giám đốc để mình cải tiến, chuyển đổi hệ thống qua tự động bằng cách thiết lập bảng điều khiển điện tử. Chỉ mất nửa tháng tìm hiểu nguyên tắc vận hành máy móc và tìm kiếm linh kiện chế tạo, anh đã thành công. Sáng kiến độc đáo này giúp việc vận hành máy móc trơn tru và tiết kiệm công lao động. Mới đây, anh còn giúp công ty lắp đặt thành công hệ thống máy nén khí tránh khỏi khu vực sản xuất, giảm đáng kể tiếng ồn trong xưởng.
Với những việc làm thiết thực nêu trên, anh Tư đã tạo được sự tin tưởng, yêu mến của cả doanh nghiệp và anh em đồng nghiệp. “Với tôi, sáng tạo là lẽ sống, là động lực để phấn đấu” - anh khẳng định.
Nhẫn nại với nghề
Hơn 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Khoa Phục hồi chức năng Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ tàn tật (quận 3, TP HCM), luôn có mặt ở cơ quan từ rất sớm và là người về sau cùng. Chị còn thuyết phục đồng nghiệp ở tinh thần lăn xả, sẵn sàng gánh vác khó khăn.
Đa số trẻ gửi vào trung tâm đều có vấn đề về tâm thần, mắc các chứng động kinh, bại não, tự kỷ... nên rất khó ngủ. Thương các cháu có hoàn cảnh không may, chị Tuyết chịu khó thức canh, vỗ về các cháu. Đến bữa trưa, trong khi nhiều đồng nghiệp đi ăn trước thì chị ở lại phụ giúp các cô giáo chăm sóc, chuẩn bị cho trẻ ngủ. Đều đặn mỗi ngày, chị chủ động gặp phụ huynh để hỏi thăm, hướng dẫn gia đình cách tập cho trẻ vận động, phát triển tư duy, ngôn ngữ. “Mỗi khi nghe phụ huynh khoe trẻ đã tiến bộ hơn, tôi cũng cảm thấy vui lây, quên hết mọi khó khăn” - chị tâm sự.
Nhiều đồng nghiệp quý chị Tuyết không chỉ ở tinh thần nhẫn nại với nghề mà còn là chí tiến thủ. Tốt nghiệp sơ cấp nhà trẻ, năm 1996, chị vào trung tâm làm việc. Lúc này, chức năng chính của trung tâm là nuôi dưỡng trẻ mồ côi nên việc chăm sóc khá đơn giản. Năm 2010, khi trung tâm được bổ sung chức năng hỗ trợ trẻ tàn tật, để đáp ứng yêu cầu công việc mới, chị theo học cao đẳng sư phạm giáo dục chuyên biệt rồi tiếp tục học lên đại học. Hiện chị là sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm TP HCM.
Bộn bề với việc chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho trẻ khuyết tật nhưng chị Tuyết vẫn làm tròn nhiệm vụ của một chủ tịch Công đoàn. Khi anh em gặp khó khăn hoặc ốm đau, bệnh tật, chị luôn có mặt để động viên, chia sẻ.
“Dấn thân với nghề và luôn biết cách sẻ chia khó khăn với đồng nghiệp, những gương điển hình được tuyên dương xứng đáng là hình mẫu trong cuộc vận động học tập và làm theo Bác. Sự trưởng thành của họ là động lực phấn đấu cho đồng nghiệp”.
(Bà NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM)
Bình luận (0)