Báo Người Lao Động số ra ngày 11-6 đã phản ánh bức xúc của tập thể công nhân (CN) Công ty Dệt Sài Gòn - Joubo TNHH (quận 8, TP HCM) vì hơn 5 tháng qua không được trả lương chờ việc trong khi ban giám đốc không nói rõ bao giờ giải thể. Mới đây, ông Tsai Cheng Kai (người Đài Loan), Chủ tịch HĐTV và là người đại diện pháp luật của công ty, đã có mặt tại Việt Nam để giải quyết vụ việc.
Treo quyền lợi người lao động
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Công ty Dệt Sài Gòn - Joubo TNHH ngừng sản xuất từ năm 2017 vì các nhà đầu tư thống nhất sẽ giải thể. Từ tháng 8-2017, CN được hưởng lương chờ việc và các khoản bảo hiểm đi kèm.
Tháng 12-2017, hơn 80 CN đã xin nghỉ việc và được giải quyết đầy đủ chế độ. Tuy nhiên, từ tháng 2-2018 đến nay, ngoài việc không được thanh toán lương chờ việc, 57 CN bám trụ tại doanh nghiệp (DN) còn bị trừ sai một khoản tiền BHYT. Sau nhiều lần hòa giải, đến nay, các đối tác trong liên doanh vẫn chưa thống nhất được việc có giải thể DN hay không, dẫn đến việc hàng chục lao động bị treo quyền lợi.
Ông Dương Thanh Phong (x) ngăn cản công nhân dự cuộc họp
Trong các buổi làm việc trước đây, ông Dương Thanh Phong, phó tổng giám đốc công ty, cho rằng mọi việc đều do người đại diện pháp luật của công ty là ông Tsai Cheng Kai quyết định. Tài khoản công ty do ông Tsai nắm giữ và nếu không có chữ ký của ông này thì không thể giải quyết tiền lương chờ việc cũng như các chế độ khác cho CN. Riêng thủ tục giải thể DN, do biên bản họp và nghị quyết của HĐTV gửi quá trễ nên không thể đăng ký với cơ quan chức năng.
Tại cuộc họp giải quyết bức xúc của CN tổ chức ngày 20-6, ông Tsai đồng ý giải quyết dứt điểm khoản nợ lương chờ việc và khắc phục các sai sót trong việc khấu trừ trích nộp BHYT vào lương cho CN. Bên cạnh đó, với những CN có thâm niên, khi nộp đơn xin nghỉ việc, ông Tsai đồng ý chi trả trợ cấp mỗi năm làm việc 1 tháng tiền lương (trừ thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp). Với những CN mới, công ty sẽ trợ cấp mỗi người 2 tháng tiền lương.
Tuy nhiên, trước thiện chí của ông Tsai về việc giải quyết chế độ, chính sách cho số CN nghỉ việc, ông Phong lại đề nghị tiếp tục xin ý kiến HĐTV và bên góp vốn phía Việt Nam.
Đại diện góp vốn Việt Nam bất hợp tác?
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tsai cho rằng những rắc rối về quyền lợi người lao động (NLĐ) nhiều tháng qua hoàn toàn không phải là mong muốn của ông. Công ty có 7 thành viên tham gia góp vốn, gồm 6 thành viên từ Đài Loan và 1 thành viên từ Việt Nam - Công ty CP Dệt may Gia Định, góp 30% vốn. Khi hết hạn hoạt động, HĐTV thống nhất giải thể công ty và đã có biên bản, nghị quyết đầy đủ đi kèm các phương án bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
"Ông Phong không thể nói là không nhận được biên bản và nghị quyết đúng hạn để tiến hành thủ tục giải thể. Chính ông Phong cũng tham gia họp và ký vào biên bản với tư cách người đại diện của bên góp vốn (Công ty CP Dệt May Gia Định - PV). Ông Phong cũng giữ gần như toàn bộ hồ sơ pháp lý và con dấu của công ty nên việc chậm trễ phải do chính ông chịu trách nhiệm" - ông Tsai cho biết.
Ông Tsai cũng khẳng định thực tế thời hạn hoạt động của công ty đã chấm dứt từ ngày 26-8-2017. Do vậy, việc không thể giải thể công ty và vẫn phải trả lương nhân viên dù không sản xuất, chi phí vận hành văn phòng, điện nước, bảo trì máy móc… đã gây rất nhiều tốn kém cho DN.
"Thật vô lý khi cứ kéo dài tình trạng này. Công ty vẫn phải trả một khoản tiền lớn thuê đất dù thời hạn hoạt động đã kết thúc. Chúng tôi rất muốn giải thể và sau đó giải quyết dứt điểm quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, bên góp vốn phía Việt Nam liên tục cản trở và kéo dài vụ việc khiến NLĐ lao đao thời gian qua. Tháng 5-2018, các thành viên từ Đài Loan đã gửi một bản kiến nghị đến Thành ủy và UBND TP HCM, bày tỏ mong muốn được sớm giải thể DN và trả lại mặt bằng cho nhà nước" - ông Tsai bức xúc.
Bên cạnh đó, dù là người đại diện pháp luật chính thức và cũng là Chủ tịch HĐTV nhưng ông Tsai lại không thể yêu cầu ông Phong giao con dấu và các hồ sơ công ty để làm việc. "Ông Phong đưa ra một khoản tổng chi buộc phải ký mà tôi không biết cụ thể là cái gì, đúng sai ra sao. Thậm chí, chuyện CN phản ánh bộ phận nhân sự trừ vượt quá BHYT vào lương của họ, tôi cũng không thể kiểm tra được sổ sách ai đã làm sai, khoản sai đó đang nằm ở đâu? Nếu sau này phát hiện các sai sót, tôi sẽ khởi kiện theo quy định của pháp luật" - ông Tsai phân trần.
Sáng 20-6, ông Tsai đã mời phóng viên Báo Người Lao Động đến công ty tham dự cuộc họp giải quyết quyền lợi cho CN. Thế nhưng, ông Dương Thanh Phong và bà Nguyễn Thanh Trúc, trưởng bộ phận nhân sự của công ty, đã yêu cầu bảo vệ đóng cổng, ngăn cản phóng viên. "Không chỉ phóng viên, ông Tsai còn mời CN dự cuộc họp nhưng cũng bị bảo vệ công ty ngăn cản. Đến khi chúng tôi phản ứng quyết liệt thì bảo vệ mới mở cổng cho vào" - một CN cho biết.
Bình luận (0)