Theo thống kê của LĐLĐ TP HCM, tính đến hết năm 2017, tại TP có 8.051 bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được ký kết, chiếm tỉ lệ 47,23% số doanh nghiệp (DN) có tổ chức Công đoàn (CĐ). Qua phân loại chất lượng, TƯLĐTT loại A chỉ chiếm 9%, loại B 15%, loại C và D chiếm 73% và 3% TƯLĐTT không đánh giá phân loại do sao chép luật hoặc hết hạn.
Làm cho có
Chia sẻ tại hội nghị về TƯLĐTT và vai trò của tổ chức CĐ trong việc giải quyết tranh chấp lao động do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, nhìn nhận việc xây dựng TƯLĐTT tại các DN còn mang tính hình thức, đối phó. Đa số nội dung các TƯLĐTT sao chép các quy định của pháp luật lao động là chính. Nếu có thêm chỉ là những phúc lợi cơ bản như tiền cơm, thưởng, hiếu hỷ… mà không bao gồm những quy định thực chất có lợi hơn cho người lao động (NLĐ) so với quy định pháp luật có được từ thương lượng tập thể mang lại.
Theo ông Năm, chất lượng TƯLĐTT kém một phần do năng lực thương lượng của ban chấp hành CĐ cơ sở (đại diện cho tập thể NLĐ) còn hạn chế. Trong thực tế, cán bộ CĐ cũng là NLĐ (giữ vị trí quản lý cấp trung) làm công ăn lương nên thường ở vị thế chiếu dưới trong quá trình thương lượng. Mặt khác, quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT diễn ra trong nội bộ DN, do vậy các bên có liên quan ít khi yêu cầu hay đề nghị các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức đại diện của mình hỗ trợ, giám sát thương lượng. Do không tham gia vào quá trình thương lượng tập thể nên cơ quan quản lý nhà nước về lao động chỉ tiếp nhận hồ sơ và đánh giá TƯLĐTT chứ không thể xem xét thực chất việc tuân thủ quy trình thương lượng tập thể diễn ra tại DN.
Còn ông Trần Văn Trí, Giám đốc điều hành Công ty Luật Sài Gòn Phú Sĩ, cho rằng quy định về quy trình xây dựng TƯLĐTT hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện. "Chẳng hạn, luật quy định nội dung TƯLĐTT không được trái quy định và phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định pháp luật. Tuy nhiên, vì có quá nhiều nội dung luật không quy định nên khi thương lượng, DN và CĐ cơ sở gặp nhiều lúng túng. Hay như việc luật cho phép khi TƯLĐTT hết hạn mà hai bên vẫn trong quá trình thương lượng thì TƯLĐTT cũ còn hiệu lực trong thời gian không quá 60 ngày. Tuy nhiên, luật hiện hành lại không có hướng dẫn nếu hết thời hạn trên thì các bên liên quan sẽ làm gì" - ông Trí dẫn chứng.
Thương lượng thực chất sẽ giúp quan hệ lao động tại doanh nghiệp ổn định
Thương lượng phải thực chất
Theo các chuyên gia lao động, đáng lo hơn cả là nhiều DN chưa hiểu đúng về TƯLĐTT, có sự đánh đồng, thậm chí nhầm lẫn giữa TƯLĐTT và nội quy lao động. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP, phân tích: "TƯLĐTT hình thành thông qua thương lượng tập thể và thể hiện được ý chí của NLĐ và DN. Trong khi đó, nội quy lao động là văn bản do DN ban hành, chỉ cần tham khảo ý kiến của đại diện tập thể NLĐ, tức thể hiện ý chí của DN và NLĐ buộc phải tuân thủ". Đó cũng là lý do nhiều bản TƯLĐTT mà DN gửi cho cơ quan quản lý lao động khá dày nhưng đa phần nội dung là sao chép luật hoặc gom tất cả quy chế, văn bản mà DN đã ban hành vào để cho "dễ coi".
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), TƯLĐTT được hình thành dựa trên cơ chế thương lượng tập thể. Đây là một trong những cơ chế điều chỉnh quan hệ lao động phù hợp và hữu hiệu nhất giúp khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường thông qua việc áp dụng tiền lương và những điều kiện lao động bình đẳng giúp đạt được sự phân phối thu nhập và lợi ích công bằng cho các bên, giúp bình ổn sản xuất, tạo ra tính linh hoạt của thị trường lao động ở nhiều quốc qua. Thương lượng tập thể cũng là một trong những cơ chế pháp lý cơ bản để nhà nước điều chỉnh mối quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường.
Từ những bất cập trong thương lượng, ký kết TƯLĐTT, đại diện các DN tham dự hội nghị kiến nghị thời gian tới, Chính phủ cần rà soát những hạn chế về pháp luật liên quan đến chế định thương lượng tập thể và TƯLĐTT theo hướng có biện pháp bảo đảm việc thương lượng tập thể có thực chất, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm và sự hỗ trợ thúc đẩy thương lượng tập thể của cơ quan nhà nước, các tổ chức đại diện có liên quan trong quan hệ lao động. "Đặc biệt, Chính phủ, Quốc hội cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định để giải quyết các tình huống phát sinh trong trường hợp có 2 tổ chức đại diện NLĐ trở lên trong DN khi Việt Nam thực hiện Công ước 87 đã ký kết về quyền tự do hiệp hội thời gian tới" - ông Năm kiến nghị.
Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Tăng cường chia sẻ thông tin
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngừng việc tập thể vừa qua đều liên quan đến việc DN chưa thực hiện đúng thỏa thuận với NLĐ, vi phạm pháp luật lao động, nhất là tình trạng nợ lương, nợ BHXH kéo dài…
TƯLĐTT phải được xây dựng trên cơ sở thương lượng giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ, hướng đến quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Nội dung thương lượng nên tập trung vào các vấn đề thiết yếu như tiền lương, thưởng, trợ cấp, nâng lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca, bảo đảm việc làm đối với NLĐ.
Để quá trình thương lượng diễn ra thực chất, NSDLĐ cần tăng cường chia sẻ thông tin DN với NLĐ. CĐ cơ sở cần chủ động đôn đốc, phối hợp cùng NSDLĐ thực hiện tốt đối thoại định kỳ, hội nghị NLĐ để các bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc, bức xúc và củng cố mối quan hệ hợp tác trong DN.
Bình luận (0)