Sau giờ làm việc, cánh cổng trụ sở LĐLĐ TP HCM (14 Cách mạng Tháng Tám, quận 1, TP HCM) vẫn rộng mở để đón các công nhân (CN) từ các quận, huyện: Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn... đến học tập. Ban ngày, họ là những người lao động (NLĐ) làm việc tại nhiều đơn vị khác nhau; buổi tối, trong màu áo CN, họ trở thành những sinh viên (SV) của ngành quản trị kinh doanh (hệ vừa làm vừa học) do LĐLĐ TP phối hợp Trường ĐH Kinh tế TP tổ chức.
Viết tiếp ước mơ dang dở
Sau giờ tan ca, có người vượt 10 km, có người vượt gần 30 km đến lớp. Gian nan, khó nhọc, thậm chí không ít lần định bỏ cuộc nhưng vượt lên tất cả, những CN này vẫn khao khát được học, được viết tiếp những ước mơ còn dang dở.
Công nhân theo học lớp cử nhân quản trị kinh doanh do LĐLĐ TP HCM và Trường ĐH Kinh tế TP phối hợp tổ chức
Chúng tôi được gặp đôi bạn thân cùng rủ nhau đăng ký học và động viên nhau vượt qua khó khăn là anh Nguyễn Thanh Phúc (28 tuổi), CN kỹ thuật Công ty TNHH Jabil Việt Nam và anh Nguyễn Chánh Tuấn (28 tuổi), CN Công ty TNHH Sonion Việt Nam (cùng Khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM). Tuần 3 buổi, sau giờ làm ở nhà máy, Phúc và Tuấn chạy từ quận 9 lên quận 1 để kịp vào học lúc 18 giờ. "Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ học xong THPT rồi vừa đi làm CN, vừa học trung cấp nhưng sau đó cũng bỏ dở vì nhiều cái khó. Tôi luôn suy nghĩ chỉ có tiếp tục học mới có thêm cơ hội trong công việc. Bởi với tấm bằng cấp III sẽ rất khó thăng tiến trong công việc. Tôi thấy mình còn trẻ nên phải cố gắng" - anh Phúc chia sẻ.
Hay tin LĐLĐ TP và Trường ĐH Kinh tế TP tuyển sinh (ngành quản trị kinh doanh) hệ vừa làm vừa học dành riêng cho CN, anh không ngần ngại nộp hồ sơ xét tuyển. Gián đoạn việc học rất lâu nên Phúc gặp rất nhiều khó khăn, dù vậy anh luôn động viên mình. So với nhiều bạn CN khác trong lớp, Phúc thuận lợi hơn khi công ty cho NLĐ chọn lựa tăng ca hoặc không. Phúc và Tuấn là đôi bạn thân ngoài đời lẫn trong học tập, có gì không hiểu họ gọi điện thoại, chat hoặc nhắn Zalo với nhau nên việc học khá thuận lợi.
Học khi có cơ hội cũng là niềm mong ước của anh Võ Phước Hải, nhân viên bộ phận khai thác bưu chính Trung tâm Data Post (Bộ Thông tin và Truyền thông). Anh Hải đã tốt nghiệp trung cấp Bưu chính Viễn thông và vào trung tâm làm việc từ năm 2004 đến nay. Ý định học lên được anh xếp lại sau nhiều lần dự tính. Thông qua một người bạn, Hải biết đến chương trình ĐH dành cho CN và quyết định nộp hồ sơ. Hơn 13 năm rời trường lớp, việc trở lại với sách vở là một trở ngại lớn nhưng anh tin mình có thể vượt qua. Công việc khai thác bưu chính của anh Hải hiện nay vừa sử dụng tay chân vừa dùng máy tính nên rất cần kiến thức mới để bổ sung cho công việc. Biết tin anh đi học, ban giám đốc công ty và đồng nghiệp hết lòng ủng hộ, cam kết sẽ hỗ trợ để Hải đạt được kết quả học tập tốt nhất.
Sinh viên U50
"Ở lớp học này kiếm SV trẻ thì khó chứ SV già thiếu gì" - anh Nguyễn Anh Vũ, 50 tuổi, CN đóng gói thành phẩm Xí nghiệp In Tài chính TP, dí dỏm khi giới thiệu về lớp học.
Anh Vũ chia sẻ với bản tính thích tìm tòi những điều mới nên khi nghe có lớp ĐH dành cho CN, anh liền đăng ký dù gia đình có chút nghi ngại. Hay tin anh Vũ đăng ký học ĐH, đứa con đang học ĐH hỏi: "Ba nhắm theo nổi không ba, khó và khổ lắm đó?". Còn đứa con út đang học lớp 10 thì cổ vũ: "Cố lên ba, chỗ nào không biết ba về hỏi tụi con". Vợ anh cũng có chút lo lắng bởi tuổi Vũ không còn trẻ nữa. Thế nhưng, thấy anh quyết tâm thì vợ rất ủng hộ chồng.
Con đường học hành của anh Vũ cũng lắm gian nan. Vì hoàn cảnh gia đình nên vừa học xong lớp 10, anh phải nghỉ học để đi làm. Hơn 30 tuổi, anh lấy vợ, sinh con, gia đình ổn định, anh đăng ký học bổ túc và hoàn tất chương trình THPT. Rồi ở tuổi 50, anh tiếp tục học ĐH. Anh bộc bạch: "Khi tôi đăng ký đi học, nhiều người hỏi tôi tuổi đã lớn, học nữa thì cũng không lên được chức tước gì. Tôi chỉ cười. Bởi với tôi, học là để mở rộng kiến thức và làm việc khoa học hơn". Gần 3 năm trôi qua, "anh" SV 50 tuổi sắp cầm được tấm bằng ĐH.
Để cho những SV lớn tuổi như anh Vũ không ngần ngại đến trường, LĐLĐ TP và Trường ĐH Kinh tế TP đã có nhiều giải pháp hỗ trợ với CN. Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP, cho biết bên cạnh linh hoạt về thời gian, nhà trường bố trí địa điểm phù hợp, ưu đãi về học phí cho CN. "Chúng tôi cũng đã tiên liệu việc này nên xây dựng mô hình "Bạn đồng hành", nghĩa là 1 SV chính quy đồng hành với 1 NLĐ đi học để tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn.
SV chính quy có thời gian rảnh và nhiều kinh nghiệm trong học tập nên sẽ là người tư vấn tin cậy nhất cho NLĐ. Đoàn Thanh niên và Hội SV của trường sẽ đưa "Bạn đồng hành" vào chương trình hành động; bản thân các em SV cùng song hành với 1 anh, chị CN để về đích sẽ là một kỷ niệm đẹp trong thời gian đi học" - ông Nhựt cho hay. Trường ĐH Kinh tế TP còn tạo mọi điều kiện để CN hoàn thành tốt khóa học như miễn giảm học phí, chia nhỏ, kéo dài thời gian đóng học phí.
Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM
Học để thích ứng
Lớp ĐH hệ vừa học vừa làm ngành quản trị kinh doanh do LĐLĐ TP và Trường ĐH Kinh tế TP phối hợp tổ chức vào các tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần, thời gian học là 3,5 năm. Đây là mô hình vừa làm vừa học đầu tiên trong cả nước dành cho CN trực tiếp sản xuất và là giải pháp mà tổ chức Công đoàn TP thực hiện để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho CN, giúp họ chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang lan tỏa sâu rộng.
Bình luận (0)