Công ty TNHH Thang máy Mitsubishi Việt Nam (100% vốn Nhật Bản; quận Tân Bình, TP HCM) hiện có hơn 760 lao động, trong đó 98% là đoàn viên Công đoàn. Ở đây không cần tuyên truyền, vận động, người lao động (NLĐ) khi vào làm việc đều tự nguyện gia nhập Công đoàn bởi họ thấy được lợi ích mà tổ chức này mang lại. Để tạo được niềm tin đó có đóng góp không nhỏ của ông Phan Nhật Thành - 66 tuổi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Nơi người lao động tìm đến
Trong 7 thủ lĩnh Công đoàn được LĐLĐ TP HCM trao Giải thưởng 28-7 năm nay, ông Thành là người có tuổi đời lớn nhất.
Anh Vũ Mạnh Thắng, nhân viên phòng kỹ thuật - bảo trì (chi nhánh Hà Nội), kể cách đây 2 năm, anh bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, phải nghỉ điều trị hơn 2 tháng. Thắng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, một mình từ Nam Định lên Hà Nội làm việc. Vì thế, khi hữu sự, anh gặp nhiều khó khăn do không có người thân bên cạnh.
Trước hoàn cảnh của Thắng, ông Thành phân công các thành viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đến thăm hỏi và vận động tập thể lao động đóng góp hỗ trợ anh hơn 60 triệu đồng. "Nhờ sự sẻ chia kịp thời của Công đoàn mà tôi có điều kiện điều trị tốt hơn, sớm hồi phục sức khỏe để trở lại làm việc" - anh Thắng cảm kích.
Gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập và đảm đương vai trò Chủ tịch Công đoàn hơn 15 năm qua nên ông Thành luôn hiểu đoàn viên - lao động cần gì. Theo ông, lúc khó khăn nhất cũng là lúc NLĐ tìm đến Công đoàn và trách nhiệm của người thủ lĩnh là phải san sẻ kịp thời với họ. Đó là lý do ngoài những đợt chăm lo vào các dịp lễ, Tết, Công đoàn và ban giám đốc công ty còn hỗ trợ chi phí cho những trường hợp ốm đau phải nằm viện.
Đối với lao động nữ sinh con, ngoài hưởng chế độ thai sản theo quy định, Công đoàn cơ sở còn đề xuất công ty hỗ trợ 4 triệu đồng/người. Lao động nam khi vợ sinh con cũng được hỗ trợ 600.000 đồng/trường hợp. Quỹ Học bổng Nguyễn Đức Cảnh của Công đoàn cơ sở hằng năm trao hàng trăm suất học bổng cho con đoàn viên vượt khó, học giỏi, mỗi suất trị giá 1-2 triệu đồng.
Ông Phan Nhật Thành (bên phải) là người luôn gần gũi, hết lòng với đoàn viên
Khéo léo, nhạy bén
Dày dạn kinh nghiệm hoạt động Công đoàn nhưng với ông Phan Nhật Thành, để thực hiện tròn vai trò người thủ lĩnh chưa bao giờ là việc đơn giản. Là bảo vệ kho hàng của công ty đặt tại KCN Tân Bình nên ông ít có cơ hội tiếp cận đoàn viên và chủ doanh nghiệp (DN). NLĐ làm việc rải rác ở nhiều địa phương khiến Công đoàn cơ sở khó tập hợp, triển khai các hoạt động phong trào.
Để giải bài toán này, ông Thành bố trí 9 thành viên của Ban Chấp hành Công đoàn rải đều ở các nơi. Hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên cũng được Công đoàn tổ chức phù hợp với điều kiện làm việc của đoàn viên - lao động. Mọi thông tin liên quan hoạt động Công đoàn, đặc biệt là chế độ, chính sách của nhà nước và DN thường xuyên được Công đoàn cơ sở cập nhật trên website công ty để NLĐ kịp thời nắm bắt. Ông còn đề xuất ban giám đốc thành lập tổ tư vấn pháp luật tại DN để giải đáp thắc mắc về pháp luật, chế độ chính sách cho NLĐ. Nhờ đó, quan hệ lao động tại DN ngày càng hài hòa, ổn định.
Cái khéo của ông Thành là biết tranh thủ sự ủng hộ của tập thể, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp cao tại công ty. Trước khi đề xuất các chế độ chính sách, phúc lợi cho NLĐ, ông luôn chủ động tham khảo ý kiến của họ để quá trình thương lượng với chủ DN diễn ra suôn sẻ. Sự nhạy bén của ông Thành không chỉ giúp NLĐ được bảo đảm quyền lợi ở những thời điểm DN gặp khó khăn nhất mà còn được hưởng các chế độ phúc lợi cao hơn luật định.
Minh chứng rõ nhất là trong đợt dịch COVID-19, NLĐ vẫn được trả đủ lương, thưởng Tết. Hằng năm, công ty đều điều chỉnh tăng lương cho NLĐ. Nhìn lại quãng thời gian làm Công đoàn, ông Thành cảm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.
"Làm Công đoàn, bản thân tôi được nhiều hơn mất. Tình cảm, sự quý trọng của chủ DN và tập thể lao động dành cho cán bộ Công đoàn như tôi là món quà ý nghĩa nhất" - ông Phan Nhật Thành chia sẻ.
Bình luận (0)