Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) tại trụ sở Chính phủ sáng nay (11-3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả mà các cấp công đoàn (CĐ) đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng năm 2013 vừa qua, việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã thực hiện tốt, hiệu quả những nội dung đã đề ra, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước trong năm qua. Thông qua việc thực hiện quy chế phối hợp, Chính phủ và Tổng Liên đoàn cũng đã thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Chăm lo, bảo vệ người lao động
Trong năm 2013, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã gửi 21 kiến nghị của người lao động (NLĐ) và các cấp CĐ cả nước tới Chính phủ. Trong đó có nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống của NLĐ, như: ban hành cơ chế chính sách đối với việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trong các khu công nghiệp - khu chế xuất; về “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp giai đoạn 2012-2015 và định hướng 2020”; Chính sách cải cách tiền lương phù hợp, đảm bảo đời sống cho công nhân viên chức, NLĐ; Việc giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, đã có 17 kiến nghị đã thực hiện; 3 kiến nghị đang thực hiện và 1 kiến nghị chưa thực hiện.
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2013 và trọng tâm phối hợp công tác năm 2014, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết trong năm qua, Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã phối hợp triển khai có hiệu quả với nhiều nội dung quan trọng như: Phối hợp, hỗ trợ tổ chức Đại hội CĐ các cấp và Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI; phối hợp nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua.
Đặc biệt, trong việc phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, tổ chức CĐ và các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp đã phối hợp, có nhiều đề xuất, giải pháp hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp trong việc duy trì, ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, thu nhập, đảm bảo đời sống của NLĐ, cũng như xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN). Số vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công giảm mạnh trong những năm gần đây. Năm 2013, cả nước chỉ xảy ra 351 cuộc ngừng việc tập thể, đình công, giảm 188 cuộc so với năm 2012.
CĐ đã tham gia có hiệu quả vào quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi DN nhà nước, qua đó đã có nhiều ý kiến đóng góp vào việc tái cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN, hạn chế lao động mất việc làm, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư.
Trong năm 2013, các hoạt động xã hội của tổ chức CĐ đã kịp thời chăm lo đến đoàn viên và NLĐ những lúc khó khăn; hỗ trợ các gia đình chính sách và những mảnh đời khó khăn trong xã hội. Trong năm 2013, cán bộ, đoàn viên và NLĐ, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn, đã ủng hộ hàng chục tỉ đồng cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Dịp Tết Nguyên đán 2013, CĐ các tỉnh, ngành, Quỹ tấm lòng vàng Lao Động đã phối hợp trao hàng chục ngàn phần quà Tết với tổng số tiền hơn 1.100 tỉ đồng. Thông qua Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, đoàn viên, công nhân viên chức, NLĐ cả nước và CĐ các địa phương, ngành, đã vận động đóng góp được 36,9 tỉ đồng, qua đó trao tặng nhiều phần quà với số tiền 21 tỉ đồng cho ngư dân các địa phương.
Năm 2013, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gia đình chính sách và các hoạt động xã hội khác tiếp tục đạt được nhiều hiệu quả với việc cán bộ, đoàn viên và NLĐ trong cả nước đã ủng hộ vào Quỹ Vì người nghèo các địa phương với số tiền hơn 565 tỉ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết quy chế phối hợp của Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã được triển khai, thực hiện tốt. Trong năm 2013, toàn hệ thống CĐ đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là ở những công trình trọng điểm quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng đồng ý nhiều kiến nghị của Tổng Liên đoàn
Tại buổi làm việc sáng nay 11-3, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiếp tục gửi đến Thủ tướng Chính phủ 21 kiến nghị của NLĐ và các cấp CĐ trong cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những kiến nghị của Tổng LĐLĐ và giao cho các cơ quan thuộc Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐ để xem xét, giải quyết những kiến nghị của NLĐ và của các cấp CĐ một cách có hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan trực thuộc Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐ để ban hành các thể chế, chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến giai cấp công nhân và NLĐ, nhưng việc quan tâm ấy cần phải cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật, được thể chế hóa, thiết thực. Và đây là trách nhiệm của Chính phủ” - Thủ tướng nói.
Với đề xuất của Tổng Liên đoàn về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, động viên ngư dân bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Thủ tướng cho rằng hằng ngày chúng ta có 1 triệu người làm việc trên biển, đó là những công nhân thực sự. Chúng ta phải hỗ trợ, ưu tiên, ưu đãi tối đa, bằng những chính sách cụ thể để giúp ngư dân phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, xây dựng chính sách để hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân (bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tàu).
“Tôi rất đồng tình với đề xuất này. Chúng ta phải hỗ trợ tín dụng để ngư dân đóng tàu sắt, tàu lớn để đánh bắt xa bờ. Tôi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước không được để cho ngư dân phải vay nặng lãi để đi đánh cá” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổng LĐLĐ cần tăng cường công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách và việc ban hành những chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến đời sống, những vấn đề bức xúc của NLĐ.
Sẽ xử lý hình sự nếu trốn đóng Bảo hiểm xã hội
Tổng LĐLĐ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng nợ đọng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi về trước mắt và lâu dài của người lao động và quỹ Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung tội danh chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao và thống nhất với đề xuất này của Tổng LĐ. Thủ tướng đã giao bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ và các ngành liên quan, đề xuất các giải pháp và trình Thủ tướng.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa tội danh chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Bình luận (0)