Ngày 26-4, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó có việc thực hành dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại doanh nghiệp.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và định hướng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là dự thảo luật rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị, pháp lý to lớn. Do đó với trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của từng vị trí công tác, đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, có những đóng góp sâu sắc, góp phần thực hiện dự thảo luật. Đặc biệt là các nội dung liên quan tới tổ chức công đoàn, công chức, viên chức và người lao động.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, mục đích xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời luật cũng thông qua luật thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Do vậy trong xây dựng luật cần bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Đồng thời cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Lam - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết ông cũng đã có ý kiến phải có lắng nghe thêm phản biện của cơ quan, tổ chức. Trong đó có ý kiến trực tiếp của các tổ chức như Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…
Theo ông Lam, ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến để dự án Luật này được kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức.
Bình luận (0)