"Với sự năng động, nhạy bén thích ứng tình hình mới, 5 năm qua, nhất là ở nửa cuối nhiệm kỳ, Công đoàn (CĐ) Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ. Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, tạo sức thu hút cho tổ chức CĐ Việt Nam" - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định tại phiên trọng thể Đại hội XII CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra sáng 25-9. Tại phiên làm việc trọng thể này, đại hội vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tham dự.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam
Vì lợi ích đoàn viên và người lao động
Thay mặt ban chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) điểm lại những thành tựu nổi bật của tổ chức CĐ trong 5 năm qua. Ông Bùi Văn Cường một lần nữa nhấn mạnh việc đại diện, chăm lo là chức năng bẩm sinh của tổ chức CĐ, do vậy, mọi hoạt động CĐ đều hướng đến thực hiện tốt vai trò bảo vệ và cải thiện đời sống NLĐ. Điều đó được các cấp CĐ từ trung ương đến từng cơ sở cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động có chiều sâu và thực chất.
Minh chứng rõ nét nhất là việc tổ chức CĐ đã phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Trong nhiệm kỳ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có 521 văn bản kiến nghị, đề xuất với Đảng, nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi NLĐ. Nhiều đề xuất của CĐ đã được tiếp thu, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và NLĐ, tiêu biểu là tham gia xây dựng Luật BHXH, các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động, Luật CĐ năm (2012) về quyền, trách nhiệm của CĐ, tài chính CĐ, chế độ chính sách đối với lao động nữ... Đặc biệt, tổ chức CĐ cũng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55%, giúp cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu đặc biệt có ý nghĩa với NLĐ.
Trong khi đó, chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp (DN), đã có tác động tích cực đến đời sống của NLĐ. Số lượng thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho NLĐ về tiền lương, thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách bình đẳng giới... tăng lên rõ rệt.
Song song đó, hoạt động chăm lo lợi ích luôn được các cấp CĐ quan tâm thực hiện. Nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho đoàn viên và NLĐ được hình thành như chương trình "Nâng chất lượng bữa ăn ca của NLĐ" chỉ sau 2 năm thực hiện đã giúp nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 NLĐ. Hay việc "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-KCX" mở ra những điều kiện mới để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức CĐ và đoàn viên, trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao... "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ được khởi xướng từ đầu năm 2017 đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động CĐ theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho NLĐ là đoàn viên CĐ, tạo sự khác biệt rõ nét so với NLĐ chưa là đoàn viên CĐ. Sau hơn một năm thực hiện, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các DN để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và NLĐ, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên" - ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Các đại biểu biểu quyết thông qua đề án nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tạo bước đột phá trong mọi hoạt động
Nhấn mạnh mục tiêu nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao là mục tiêu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2018-2023, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xác định 9 nhóm chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ tổng quát và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể các cấp CĐ sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, việc phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên CĐ; đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của CĐ theo hướng góp phần bảo đảm quyền an sinh xã hội; nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ, cán bộ CĐ; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là nhiệm vụ cốt lõi.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhận định: "CĐ Việt Nam đang ở thời điểm có tính bước ngoặt, 5 năm tới và những năm tiếp theo sẽ có nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố rất mới tác động đến quá trình phát triển và đổi mới của tổ chức CĐ Việt Nam. Để tiếp tục khẳng định vị thế của mình, yêu cầu đặt ra cho tổ chức CĐ là phải đột phá trong hoạt động. Cụ thể, đại hội lần này đề ra 3 khâu đột phá gồm: đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ NLĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nguồn lực CĐ đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới".
Tâm đắc với các khâu đột phá mà đại hội đã đề ra, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch CĐ các DN Công ích và Dịch vụ thương mại TP HCM, cho biết: "Đổi mới tổ chức để phù hợp với tình hình mới là yêu cầu tất yếu. Là cán bộ CĐ, tôi rất kỳ vọng sự đổi mới trong tổ chức hoạt động và cả trong khâu quản lý điều hành trong hệ thống CĐ thời gian sắp tới nhằm củng cố địa vị của tổ chức CĐ cũng như mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho NLĐ".
Bầu 161 ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII
Chiều 25-9, đại hội đã tiến hành bầu BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII (nhiệm kỳ 2018-2023). BCH khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 175 ủy viên, giữ nguyên so với nhiệm kỳ Đại hội XI. Tại đại hội đã bầu 161 ủy viên BCH trong danh sách 185 đồng chí được đề cử. Số còn lại khuyết 14 ủy viên sẽ bổ sung trong nhiệm kỳ Đại hội XII CĐ Việt Nam.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử, Hội nghị lần thứ nhất BCH; Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ (khóa XII) đã được triệu tập. Trong phiên bế mạc đại hội diễn ra hôm nay (26-9), BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) sẽ ra mắt đại hội.
Thành tựu nổi bật
- Tính đến tháng 11-2017, cả nước đã có hơn 10 triệu đoàn viên sinh hoạt tại 126.313 CĐ cơ sở; tăng hơn 2,1 triệu đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ; hoàn thành chỉ tiêu Đại hội XI CĐ Việt Nam trước thời hạn. Trong đó có 44 CĐ ngành, địa phương đã triển khai phát triển đoàn viên theo phương pháp mới với kết quả thành lập 1.010 CĐ cơ sở, kết nạp 97.231 đoàn viên.
- Đến nay, đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 10,72% thỏa ước đạt loại A, 16,7% đạt loại B, 28,3% đạt loại C.
- Bình quân hằng năm có 98% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 55% DN có tổ chức CĐ tổ chức hội nghị NLĐ, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Các cấp CĐ có nhiều nỗ lực trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc.
- Sau hơn một năm thực hiện chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ, các cấp CĐ đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là tập đoàn, tổng công ty và các DN để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và NLĐ với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỉ đồng.
- Chương trình "Tết sum vầy" được triển khai từ năm 2015 đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe đưa đón cho hơn 8 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền hơn 8.500 tỉ đồng.
- Trong 5 năm qua, đã có trên 20.000 gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỉ đồng. Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm, Quỹ Trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm tiếp tục được nhân rộng, góp phần tạo việc làm cho hơn 350.000 lao động mỗi năm.
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm BHXH
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI), thông qua đại hội CĐ các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được hàng vạn ý kiến của CNVC-LĐ và đoàn viên CĐ cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những hiến kế cùng 456 ý kiến, tập trung vào 5 nhóm vấn đề, gửi tới Đại hội XII CĐ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trong đó, đáng lưu ý đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động sắp tới, đoàn viên và NLĐ kiến nghị cần quy định cơ chế giải quyết tranh chấp lao động theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả; quy định trách nhiệm bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ thuộc về người sử dụng lao động; quy định thời gian NLĐ được nghỉ làm việc để tham gia học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; quy định giờ làm thêm ở mức phù hợp và trả lương làm thêm giờ theo nguyên tắc lũy tiến; bảo đảm bình đẳng giới, không cắt giảm các chế độ tiến bộ đang áp dụng đối với lao động nữ. Đoàn viên và NLĐ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm BHXH, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các DN không hoặc chậm trả lương, trốn đóng BHXH, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động CĐ và NLĐ.
Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Sửa luật để bảo vệ quyền lợi người lao động
Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) là một trong những chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Nhiệm kỳ qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các cấp CĐ TP HCM đã không ngừng đổi mới, tập trung triển khai, cụ thể hóa chức năng bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, khẳng định vai trò đồng hành, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, NLĐ cả nước. Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.970 công nhân lao động đã được CĐ TP hỗ trợ các thủ tục pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền tham gia khởi kiện thành công, đòi lại tiền doanh nghiệp (DN) nợ lương và BHXH NLĐ trên 17 tỉ đồng.
Trong việc sửa đổi Bộ Luật Lao động sắp tới về tuổi nghỉ hưu, LĐLĐ TP kiến nghị ngoài việc điều chỉnh theo lộ trình, cần khảo sát và có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động cụ thể; nghiên cứu, thiết kế mô hình cơ quan giải quyết tranh chấp lao động chuyên nghiệp bởi mô hình hiện tại đã lạc hậu, làm cho NLĐ khó tiếp cận, đình công trái luật vì vậy xảy ra nhiều. Công tác đại diện cho NLĐ, tập thể NLĐ tiến hành khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ bị xâm phạm đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về trình tự và thủ tục do sự không thống nhất trong các quy định giữa các luật, nhất là việc khởi kiện nợ BHXH. Do vậy, LĐLĐ TP kiến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng bổ sung thêm chương tố tụng chuyên biệt về lao động để phù hợp với thực tiễn và về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Giải quyết các tranh chấp lao động (bao gồm giải quyết các vụ án lao động). Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất bảo đảm biên chế cán bộ CĐ đủ để đảm đương yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, khi đoàn viên và CĐ cơ sở liên tục tăng.
Bà ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội:
Xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân
Trước một số sự kiện lớn, nhạy cảm xảy ra những năm vừa qua như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; việc kiến nghị sửa điều 60 Luật BHXH; sự cố môi trường Formosa..., các cấp CĐ thủ đô đã nỗ lực hết sức, sớm nắm bắt tình hình, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên không để tình hình phức tạp xảy ra trong công nhân lao động; góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển thủ đô.
Trên cơ sở những thành quả đạt được, LĐLĐ TP Hà Nội kiến nghị Đảng, nhà nước cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chăm lo của Đảng đối với giai cấp công nhân (CN) và tổ chức CĐ Việt Nam trong tình hình mới bằng các chủ trương, chính sách và các chương trình hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, khi xây dựng chính sách, pháp luật cần phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa giữa phát triển kinh tế, thu hút đầu tư với an sinh xã hội và đời sống, việc làm của CN; bảo đảm ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước. Cần làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật. CNVC-LĐ thủ đô đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cho CN tại KCX, KCN. Khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các KCN phải đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, trường học, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo trong các KCX-KCN.
Bình luận (0)