Mới đây, khi Công đoàn (CĐ) cơ sở niêm yết những điều khoản mới trong thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trên bản tin nội bộ, tập thể công nhân (CN) Công ty TNHH Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM) rất phấn khởi. Ngoài chế độ lương - thưởng ổn định, ban giám đốc công ty cam kết duy trì khoản phụ cấp thâm niên (cao nhất 500.000 đồng/năm), chuyên cần (200.000 đồng/tháng/người), tiền xăng, nhà trọ (200.000 đồng/tháng), đặc biệt là tổ chức cho người lao động (NLĐ) nghỉ mát định kỳ 2 năm/lần.
Chọn điểm rơi để thương lượng
Chia sẻ kinh nghiệm thương lượng, ký kết, ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Triple Việt Nam, bộc bạch: "Để hoạt động chăm lo tại doanh nghiệp (DN) đi vào nền nếp và động viên NLĐ gắn bó lâu dài, cán bộ CĐ phải nhạy bén, biết chọn thời điểm và nội dung thương lượng, có như vậy mới đạt được sự đồng thuận với DN".
Là DN đã từng xảy ra những bất ổn trong quan hệ lao động, hơn ai hết, ban chấp hành (BCH) CĐ cơ sở hiểu được chỉ có thương lượng thực chất mới giải quyết căn cơ mầm mống tranh chấp. Từ suy nghĩ đó, những lần xây dựng nội dung dự thảo TƯLĐTT, CĐ cơ sở đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của NLĐ. Đọc nội dung dự thảo được niêm yết công khai ở các xưởng, CN có thể thoải mái góp ý trực tiếp qua tổ CĐ hoặc gửi qua thùng thư góp ý. Những ý kiến đóng góp xác đáng của CN sẽ được CĐ cơ sở tập hợp, chắt lọc trước khi hoàn chỉnh nội dung TƯLĐTT. Việc đối chiếu với nội dung TƯLĐTT cũ giúp CĐ cơ sở phát hiện những vấn đề trùng lặp, so sánh mặt được và chưa được của TƯLĐTT mới, từ đó hoàn chỉnh nội dung TƯLĐTT. Chính quy trình xây dựng nội dung TƯLĐTT bài bản này giúp CĐ cơ sở thuận lợi hơn trong công tác thương lượng với ban giám đốc.
Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong, thăm hỏi tình hình việc làm của công nhân
"Điểm rơi" trong thương lượng là lúc tình hình sản xuất - kinh doanh của DN đi vào quỹ đạo ổn định, việc làm và đời sống CN được bảo đảm. "Khi thương lượng, BCH CĐ chỉ nêu một số điểm mới trong nội dung TƯLĐTT, chủ yếu là việc nâng cao chế độ phúc lợi cho anh em CN. Việc này giúp ban giám đốc và CĐ cơ sở không mất nhiều thời gian đàm phán trong khi mục tiêu chăm lo cho CN vẫn được bảo đảm" - ông Hải bày tỏ.
Theo ông Lê Bình Đẳng, Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Thanh Lê Landscape (quận 7, TP HCM), việc xác lập cơ chế thông tin hai chiều giữa ban giám đốc và CĐ cơ sở sẽ giúp hai bên tìm được tiếng nói chung trong thương lượng. Chẳng hạn đối với những kiến nghị chính đáng của tập thể CN, CĐ cơ sở phải mạnh dạn bày tỏ chính kiến và thuyết phục người sử dụng lao động đáp ứng. Cán bộ CĐ cơ sở cũng phải biết lắng nghe và chia sẻ khó khăn với DN nhằm hài hòa lợi ích hai phía trong quá trình thương lượng.
Gắn với quyền lợi sát sườn của người lao động
Mới đây, chủ tịch CĐ một DN tại tỉnh Bình Dương bất ngờ nhận được bức "tâm thư" của tập thể lao động. Nội dung tâm thư có ý "trách" CĐ cơ sở khi không đưa vấn đề cải thiện điều kiện làm việc và chất lượng bữa ăn giữa ca vào nội dung TƯLĐTT.
Kiểm tra nội dung phản ánh, BCH CĐ cơ sở đã nhận khuyết điểm khi chưa sâu sát đời sống của CN. Thực tế, khi xây dựng dự thảo nội dung TƯLĐTT, BCH CĐ chỉ đặt nặng vào vấn đề tiền lương, phúc lợi trong khi bỏ qua 2 vấn đề vốn gây bức xúc lâu nay trong CN là điều kiện làm việc nóng bức, ngột ngạt; chất lượng bữa ăn không bảo đảm. CĐ cơ sở lập tức sửa sai bằng cách bổ sung vào nội dung TƯLĐTT và chủ động đề xuất ban giám đốc có giải pháp cải thiện. Trước góp ý xác đáng của CĐ cơ sở, ngay sau khi TƯLĐTT được ký kết, ban giám đốc đã cho lắp đặt thêm quạt hút gió và nâng suất ăn giữa ca từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/suất, nhờ vậy tinh thần làm việc của CN phấn khởi thấy rõ. "Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá đối với CĐ cơ sở trong quá trình đàm phán, ký kết TƯLĐTT. Nội dung TƯLĐTT phải sát sườn với NLĐ thì mới thực sự có ý nghĩa" - vị chủ tịch CĐ này bày tỏ.
Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết trong quá trình thương lượng, CĐ cơ sở chỉ tập trung vào các nội dung chính như: tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bữa ăn giữa ca. Với việc lựa chọn những nội dung sát sườn với đời sống NLĐ, CĐ không khó đạt được sự đồng thuận với ban giám đốc trong quá trình thương lượng. "Nội dung thương lượng chính vẫn là lương, thưởng, bởi đây vốn là vấn đề nhạy cảm. Lương, thưởng tốt thì tiền tăng ca và các phúc lợi khác sẽ được cải thiện và đời sống anh em CN cũng nâng cao, do vậy CĐ cơ sở phải tính toán thật kỹ, đồng thời phải hài hòa được lợi ích của DN" - bà Thu chia sẻ. Với sự khéo léo trong thương lượng của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở, ngoài thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, gần 400 CN còn được phụ cấp xăng xe, nhà trọ, chuyên cần... tổng cộng hơn 550.000 đồng/người/tháng.
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Tinh tế, bản lĩnh
Quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT đòi hỏi đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở phải có kiến thức về luật pháp, sự tinh tế, đặc biệt là bản lĩnh. TƯLĐTT không phải bản sao của Bộ Luật Lao động, do vậy chỉ cần đưa vào những nội dung có lợi hơn luật, đáp ứng được nguyện vọng số đông CN, đồng thời phù hợp với tình hình DN. Nội dung thương lượng càng gắn liền với đời sống NLĐ thì càng có lợi cho CĐ cơ sở trong việc thực hiện chức năng đại diện, đồng thời góp phần ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ.
Bình luận (0)