Chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thế nhưng, hiện một số doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thể công bố kế hoạch thưởng Tết do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Cũng có DN đã công bố thưởng Tết nhưng gặp phản ứng từ người lao động (NLĐ).
Doanh nghiệp, công nhân đều gặp khó
Anh Nguyễn Văn Hợp - công nhân (CN) một công ty gỗ ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - cho biết đến nay vẫn chưa nghe công ty thông báo tiền thưởng. "Anh chị em CN ai cũng lo lắng, hồi hộp không biết năm nay có được thưởng Tết hay không, bởi DN vừa trải qua một năm quá nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Nếu không có khoản này thì NLĐ ăn Tết cũng không được vui" - anh Hợp bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Bé, CN một công ty may mặc ở KCN Sóng Thần 2, cho biết trong thời gian nghỉ do dịch bệnh, toàn bộ CN vẫn được công ty trả lương đầy đủ. Năm nay, dù hiểu DN gặp khó khăn trong việc thưởng Tết nhưng tất thảy CN đều mong có một khoản tiền thưởng để lo cho gia đình.
Công nhân Công ty TNHH Maruel Việt Nam an tâm làm việc khi được bảo đảm thưởng Tết Ảnh: CHÂU LOAN
Ông Nguyễn Huy Vũ, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay mới chỉ có hơn 10/70 DN báo cáo tiền thưởng Tết, với mức thưởng chủ yếu là thưởng 1 tháng lương cơ bản. Do tiền thưởng chia theo tỉ lệ, tháng nào nghỉ dịch thì bị trừ ra nên mức thưởng chắc chắn sẽ giảm hơn so với năm ngoái. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, hiện có gần 1.500 DN báo cáo về tình hình thưởng Tết Nhâm Dần 2022 cho NLĐ. Trong đó có khoảng 2/3 DN có mức thưởng Tết bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, mức phổ biến là 1 tháng lương.
Tại TP HCM, qua khảo sát của chúng tôi, đến giờ này một số DN, đặc biệt là DN thâm dụng lao động vẫn chưa công bố thưởng Tết. Nguyên nhân do đơn hàng giảm, nhiều DN phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ,... làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm và kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ. "TP HCM bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề, dự báo tiền thưởng Tết Nhâm Dần 2022 có thể sẽ giảm 30%-50% so với năm 2021. Dệt may, da giày là hai ngành sử dụng nhiều lao động cố gắng bảo đảm thưởng Tết khoảng 70%-75% của năm trước, khoảng 4-6 triệu đồng/người. Các DN sản xuất quy mô nhỏ và các DN sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn. Tuy vậy, đây vẫn sẽ là nỗ lực lớn của DN" - ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết.
Tạo sự đồng thuận
Cách đây ít hôm, hơn chục ngàn CN của một DN ở Đồng Nai bất ngờ ngừng làm việc, yêu cầu giữ nguyên mức thưởng Tết như năm 2021. Theo thông báo của công ty, mức thưởng Tết Nguyên đán 2022 cao nhất là 1,54 tháng lương. Theo tập thể CN, mức thưởng này quá thấp so với năm 2021 (1,9 tháng lương). Đến sáng 10-1, dù vụ ngừng việc đã bước sang ngày thứ 3 nhưng tập thể CN và DN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi CN vẫn yêu cầu giữ nguyên mức thưởng Tết như năm ngoái thì lãnh đạo công ty vẫn không thay đổi kế hoạch thưởng Tết.
Đại diện Công đoàn công ty này cho biết mức thưởng Tết năm nay so với những DN khác không phải là thấp. Thu nhập tại DN cũng khá cao so với mặt bằng chung, bình quân thu nhập của NLĐ khoảng 15-16 triệu đồng/người. Nếu không thương lượng được, DN buộc phải đóng cửa nhà máy. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục vận động, tuyên truyền để CN quay trở lại làm việc.
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho biết quy định hiện nay không có quy định cụ thể về mức thưởng Tết cho NLĐ. Tại điều 104 Bộ Luật Lao động năm 2019 chỉ quy định "thưởng" là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Căn cứ quy định trên, nếu như không có thỏa thuận trước trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể… thì việc chi trả tiền thưởng Tết cho NLĐ thế nào phụ thuộc vào quy chế thưởng của DN, do DN toàn quyền quyết định và ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ chỉ mang tính chất tham khảo.
"Dù quy định chỉ mang tính khuyến khích, nhưng thưởng Tết ở nước ta đã trở thành một thông lệ, truyền thống tốt đẹp mà DN thực hiện nhằm tri ân sự cống hiến của NLĐ sau một năm làm việc vất vả. Do vậy, trước khi công bố thưởng, ngoài tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, DN cần thông tin cụ thể, chính xác tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là minh bạch doanh thu, lợi nhuận trong năm cho NLĐ biết để họ thấu hiểu, qua đó tạo sự đồng thuận, sẻ chia, tránh xảy ra tranh chấp lao động tập thể" - luật sư Tín bày tỏ.
Trò chuyện với chúng tôi, giám đốc một DN tại KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết quy định thưởng Tết (một tháng lương thực lãnh) được ban giám đốc và Công đoàn cơ sở thỏa thuận đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Cách đây một năm, tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khiến công ty rất lo lắng đến việc thực hiện cam kết thưởng Tết. Qua trao đổi với Công đoàn cơ sở, lãnh đạo DN quyết định tổ chức đối thoại với tập thể lao động về vấn đề thưởng Tết. Những khó khăn trong sản xuất được DN nêu ra đã nhận được sự cảm thông của tập thể lao động, do vậy dù thưởng Tết giảm 30% song tranh chấp đã không xảy ra. "Trường hợp này, nếu hai bên ngồi lại với nhau thì gút mắt về tiền thưởng sẽ được giải quyết" - vị giám đốc này cho biết.
Bình luận (0)