Sơ bộ ghi nhận tình hình thưởng Tết ở một số địa phương cho thấy có doanh nghiệp thưởng Tết rất cao nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ 50.000 đồng, thậm chí không có.
Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tỉnh Bình Dương thông tin, cho biết đến nay đã có 1.125 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo kế hoạch thưởng Tết. Theo đó, dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch bình quân của các doanh nghiệp là 1,1 triệu đồng, mức thưởng cao nhất là 38 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài (FDI). Đối với thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, mức bình quân doanh nghiệp thưởng cho người lao động hơn 6 triệu đồng, mức thấp nhất là gần 4,7 triệu đồng. Đáng chú ý, Công ty CP gỗ An Cường (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) thưởng mức cao nhất là 896 triệu đồng.
Sát tỉnh Bình Dương là TP HCM tính đến hết ngày 20-12-2022, đã có 1.078 doanh nghiệp báo cáo tình hình tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; tài chính - ngân hàng; thương mại; chế biến thực phẩm; sản xuất bao bì, nhựa… Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.
Cụ thể, mức thưởng dịp Tết Dương lịch 2023 thấp hơn năm ngoái 7,37%, bình quân 3,14 triệu đồng/người. Thưởng Tết Dương lịch cao nhất cũng thuộc về một doanh nghiệp FDI, hơn 606 triệu đồng/người, tăng gần 29% so năm ngoái. Mức thưởng thấp nhất là 930.000 đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của người lao động đạt gần 12,9 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với năm ngoái (khoảng 8,9 triệu đồng). Mức thưởng cao nhất là hơn 756 triệu đồng/người thuộc một doanh nghiệp FDI và mức thưởng thấp nhất là 4,86 triệu đồng/người.
Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết trong 1.078 doanh nghiệp gửi báo cáo kế hoạch thưởng Tết năm 2023, có 386 doanh nghiệp (chiếm 35,81%) thông tin gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ… ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Còn tại tỉnh Đồng Nai, đến nay, đã có 214 doanh nghiệp thông báo thưởng Tết. Thấp nhất 1 tháng lương, cao nhất 2,5 tháng lương. Cá biệt có đơn vị thưởng cao nhất 100 triệu đồng, nhưng có đơn vị chỉ thưởng 50.000 đồng.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 bình quân tại Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 2,8 triệu đồng/người (giảm 230.000 đồng so với năm 2022); Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 6,2 triệu đồng/người (tăng 2,85 triệu đồng); Doanh nghiệp dân doanh 4 triệu đồng/người (giảm 2,11 triệu đồng); Doanh nghiệp FDI là 4,1 triệu đồng/người (tăng 290.000 đồng). Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2023 cao nhất là 110,5 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cao nhất gần 360 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp FDI, trong khi mức lương thưởng Tết thấp nhất là 50.000 đồng.
Trong khi đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết dự kiến thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho người lao động trên địa bàn mức bình quân 5,4 triệu đồng; mức thưởng Tết cao nhất là 96 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng. Mức lương, thưởng Tết năm nay cao nhất tại Quảng Bình (96 triệu đồng) thuộc về Công ty cổ phần điện gió BT1. Cũng theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức thưởng Tết cao nhất với trung bình 10 triệu đồng/người.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết tính trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt 9,69 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021. Hiện tại 100% doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đều đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động. Một số đơn vị lớn như Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, Công ty Cổ phần dệt may HUế, Tổng công ty Phong Phú, Tổng công ty dệt may Hà Nội đều có chi thêm ít nhất từ 0,5 đến 2 tháng lương cho người lao động, ngoài tháng lương thứ 13. Mức thưởng Tết trung bình của các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex khoảng 15 triệu đồng/người, đối với một số đơn vị lớn thì mức này khoảng 25 triệu đồng/người.
Có bắt buộc phải thưởng Tết ?
Theo Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tiền thưởng được hiểu là khoản tiền mà người lao động được thưởng dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Cơ chế thưởng cho người lao động sẽ khác nhau, tùy theo người sử dụng lao động.
Điều 104 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo như quy định trên thì người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động. Phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cùng với năng suất làm việc của người lao động mà người sử dụng lao động quyết định có thưởng Tết hay không. Đồng thời theo như quy định trên, người sử dụng lao động cũng không bắt buộc phải thưởng Tết bằng tiền cho người lao động. Thay vào đó, người sử dụng lao động có thể thưởng Tết cho người lao động bằng các hình thức khác hoặc là bằng tài sản.
Bình luận (0)