Tuy nhiên, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định: Không nên ngạc nhiên với tỉ lệ thất nghiệp (TN) của Việt Nam bởi theo tiêu chuẩn quốc tế, tỉ lệ này là quá thấp. Vấn đề đáng lo với Việt Nam là chất lượng việc làm chứ không phải là tỉ lệ TN.
Báo động tình trạng thanh niên thất nghiệp
Quý 4/2016, thị trường lao động có những chuyển biến tích cực, số người TN giảm 7.700 người so với quý 3, tỉ lệ TN nhóm cao đẳng giảm nhẹ so với quý trước. Song tỉ lệ TN ở nhóm có trình độ đại học (ĐH) lại tăng lên 4,43%. Đáng lo ngại, tỉ lệ TN thanh niên là 7,28% cao gấp hơn 3 lần so với tỉ lệ TN nói chung (2,31%).
Lý giải về tỉ lệ TN trong thanh niên giảm, nhưng lao động trình độ ĐH trở lên không có việc làm tăng, ông Vinh cho rằng, đây là điều bình thường, vì nhóm thanh niên và những người có trình độ ĐH trở lên chỉ giao thoa một phần. TN có trình độ ĐH là tính cả những người lao động ở các độ tuổi.
Bản tin Thị trường lao động quý IV/2016 chỉ ra trong số 1.110.000 lao động trong độ tuổi TN, số không có việc làm dài hạn từ 12 tháng trở lên chiếm 24%. Trong đó có 54% số người TN chưa từng có việc làm. Theo ông Vinh, tỉ lệ 54% TN lần đầu cho thấy số lượng rất lớn sinh viên sau tốt nghiệp ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, sơ cấp, kể cả học sinh tốt nghiệp THPT không đi học tiếp cũng TN.
Phân hóa thu nhập
Không nên ngạc nhiên với tỉ lệ TN của Việt Nam, ông Vinh khẳng định: Tỉ lệ TN 2,3% của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế là quá thấp, cả khu vực thành thị chỉ 3,2 - 3,3 %, trong khi ở Mỹ là 6 - 7%, Tây Ban Nha có lúc đến hơn 20%, Italia là 17 - 18%...
Theo ông Vinh, đối với Việt Nam tỉ lệ TN không phải vấn đề lớn, vấn đề lớn là chất lượng việc làm. “Ở nước ta nhiều người có việc làm, nhưng thu nhập thấp, có việc làm nhưng không đủ sống. Đấy mới là vấn đề” - ông Vinh lo lắng.
Đại bộ phận lao động giản đơn trong các nhà máy điện tử, may mặc.. có thu nhập rất thấp” ẢNH: KHÁNH AN
Ở các nước tiên tiến, có việc làm là người ta yên tâm vì có việc làm là có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ung dung con cái học hành không phải lo nghĩ. Ngược lại ở Việt Nam tuyệt đại đa số có việc làm, nhưng đại đa số lại nghèo, đa số không đủ sống. Ông Vinh khẳng định, đây là vấn đề liên quan đến chất lượng việc làm.
“Việt Nam hiện có phân hóa thu nhập cực kỳ lớn. Phân khúc việc làm có thu nhập cao, là các chuyên gia cấp cao trong giới tài chính, ngân hàng, maketting thu nhập cao 50-70 triệu đồng, thậm chí mấy trăm triệu đồng, trong khi đó, đại bộ phận lao động giản đơn trong các nhà máy điện tử, may mặc, xe ôm, hàng rong, số lượng này rất đông thì thu nhập lại… rất thấp” - ông Vinh nói.
Để nâng cao chất lượng việc làm cần phải có thay đổi ở tầng vĩ mô. Theo ông Vinh: Việt Nam cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng của nền kinh tế, tức là phải xuất phát từ chiến lược đầu tư, chiến lược phát triển ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Ngoài ra, cần có chiến lược phát triển khoa học công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, không chỉ những ngành đòi hỏi lao động phổ thông.
Quý II/2017 ngành Xây dựng hút nhiều lao động
Theo dự báo của Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh, quý II/2017, lĩnh vực xây dựng tiếp tục thu hút nhiều lao động. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, ngành điện tử có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên. Đặc biệt một số lĩnh vực như lập trình, lập trình viên, công nhân kỹ thuật liên quan đến công nghệ cao, kỹ sư, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu thu hút nhiều lao động.
Bình luận (0)