Một DN dù trả lương cao nhưng ban giám đốc và những người quản lý thiếu tôn trọng người lao động (NLĐ), mặc sức quát mắng và xem họ là những người "ăn nhờ ở đậu" thì cuối cùng, NLĐ cũng không thể gắn bó lâu dài.
Đó là đúc kết của một chủ DN nhiều năm liền giữ cương vị người điều hành của một công ty có vốn trong nước. Ai tiếp xúc với bà đều sẽ nhận ra bà hay nhắc đến công nhân của mình với niềm tự hào. "Công nhân của tôi rất giỏi", "các em rất chịu khó, hàng khó mấy, gấp mấy thì cũng xong đúng thời hạn giao hàng"… là những câu cửa miệng của bà. Không chỉ khen suông, bà duy trì rất nhiều chế độ chính sách và tiền công, tiền lương, các phụ cấp, phúc lợi cho NLĐ. Công nhân nào giỏi, bà có thưởng xứng đáng. "Một số người hỏi tôi sao phải tốt với công nhân như vậy làm gì bởi cuối cùng cũng không ai mơ ước làm công nhân cả đời, khi họ tích cóp đủ hoặc có nơi khác trả lương cao hơn, họ cũng dứt áo ra đi nhưng tôi nói với họ rằng công ty các vị phát triển là nhờ ai, một mình ông chủ có thể làm hết mọi việc không hay hầu hết công việc đều là do cấp dưới xử lý? Khi họ sai, chúng ta có quy chế kỷ luật, vậy thì tiếc gì một lời khen với họ nếu họ làm tốt. Như vậy mới công bằng" - bà nói.
Bà cho biết không phải bà "nịnh" công nhân mà bà thực sự thương họ bởi bản thân cũng thành công từ những ngày gian khó. Khi đơn vị chuyển xưởng, rất nhiều công nhân bỏ nơi ở quen thuộc đi theo bà đến vùng đất mới lập nghiệp. DN trải qua bao thăng trầm nhưng phần lớn công nhân đều trụ lại. Chỉ những điều ấy thôi đã đủ để bà cư xử tốt với họ. Đằng này, ngôi nhà bà đang ở cũng là công sức của công nhân, họ vất vả đào từng gốc cây, bào từng thớ gỗ để dựng nên, chi li từng chút. "Tôi có lý do để tự hào về công nhân của mình. Mặt khác, ở góc độ quản lý, tôi cho rằng người quản lý cần phải tôn trọng cấp dưới, phải thường xuyên khuyến khích thì họ mới phát huy hết năng lực, rầy la cũng hữu hiệu nhưng đồng thời với kết quả ấy, người ta cũng ghét mình".
Bình luận (0)