Chi phí tiền lương chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy dù không muốn, nhưng người lao động (NLĐ) dường như đang bị buộc "phá giá" sức lao động của mình.
Thu nhập NLĐ không đủ sống
Kết quả khảo sát thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình DN và vùng lương cho thấy thu nhập trung bình của NLĐ chỉ xấp xỉ 5,5 triệu đồng/tháng. Đối với khu vực FDI, lương cơ bản chỉ chiếm 77,3%, còn lại là tiền làm tăng ca và một số phụ cấp khác.
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đây, có tới 44% người lao động làm thêm giờ nhưng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống
Trường hợp mẫu khảo sát 11 DN FDI tại KCX Linh Trung 1 với quy mô 37.600 lao động (theo báo cáo của Công đoàn KCX-KCN TP2018) cho thấy thu nhập trung bình của NLĐ là 6,2 triệu đồng/tháng, nhưng các hộ gia đình có hai con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Một khi các điều kiện sống chưa được đảm bảo thì khả năng tái tạo sức lao động và nâng cao năng suất lao động sẽ là điều bất khả thi. Với mức thu nhập chỉ đủ, thậm chí thiếu so với nhu cầu cuộc sống tối thiểu, thì rất nhiều NLĐ động hiện đang cố gắng làm việc là để tồn tại chứ không phải là sống để có được các giá trị phong phú khác của cuộc sống.
Tiền lương bị ép "phá giá"
Sau 30 năm thu hút FDI, chi phí lao động thấp vẫn đang được sử dụng như là một lợi thế so sánh quan trọng của Việt Nam để cạnh tranh thu hút vốn FDI với các nước khác trong khu vực. Nhưng vì cố làm hài lòng các nhà đầu tư nước ngoài, NLĐ dường như bị ép hết mức có thể để chi phí tiền lương của các DN là thấp nhất.
Thực tế cho thấy, chi phí tiền lương của các DN FDI chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu. Lẽ thường, các DN trong lĩnh vực sản xuất có chi phí tiền lương vào khoảng 20-30% doanh thu nhưng tỷ lệ này tại các DN FDI ở Việt Nam tính ra là rất thấp.
Lấy ví dụ, lĩnh vực gia công điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có 600.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 71 tỉ đô la Mỹ, tính ra thặng dư xuất khẩu khoảng 15 tỉ đô la Mỹ. Nếu như lương trung bình khoảng 3.000 đô la Mỹ/người/năm thì tổng chi phí lương so với doanh thu chỉ vào khoảng 3,8%, và so với thặng dư xuất khẩu là 18%. Điều này cho thấy phần thặng dư phần lớn thuộc về doanh nghiệp FDI và thiệt thòi của NLĐ là rất lớn. Nếu tăng tỷ trọng này lên gấp đôi, thì tỷ lệ chi phí tiền lương so với doanh thu cũng chỉ xấp xỉ 10% và điều này vẫn đảm bảo sức thu hút vốn FDI.
Có điều, để làm hài lòng nhà đầu tư nước ngoài và thu hút vốn FDI càng nhiều càng tốt thì dường như bên cạnh các ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh, thì nhiều chính sách hiện nay vẫn đang hy sinh quyền lợi của NLĐ, là một cách "phá giá" không mong muốn đối với NLĐ.
Khu vực kinh tế FDI hiện giữ một vai trò khá quan trọng đối với nền kinh tế khi đóng góp vào GDP khoảng 20%, vào sản lượng công nghiệp trên 50% và vào kim ngạch xuất khẩu trên 70%. Tiền lương khu vực FDI vì thế dễ dàng được sử dụng làm tham chiếu cho các khu vực kinh tế khác.
Sẽ có luận điểm cho rằng lương thấp vì kỹ năng, chuyên môn của người lao động thấp nhưng các công việc có tính chất đơn giản, lặp đi lặp lại thì chỉ cần sau một thời gian ngắn NLĐ có thể thích nghi và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Vấn đề là các DN luôn muốn duy trì mức lương thấp và với sự hỗ trợ của chính sách thì họ chẳng bao giờ muốn nâng lương cho NLĐ dù vẫn trong khả năng của mình.
Những ưu đãi đối với DN FDI thời gian qua được cho là quá rộng rãi. Thiết nghĩ cần sớm có những chính sách về tiền lương đối với lao động trong khu vực này, để tăng quyền lợi của NLĐ, nhưng vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh về tiền lương vì khung chi phí tiền lương của các DN FDI vẫn còn biên độ rất rộng. Một sự hợp tác hai bên "cùng thắng" luôn đáng được trân trọng, nhưng nếu một bên được quá nhiều so với bên kia, thì chính sách nên đứng về phía yếu thế hơn.
Bình luận (0)