Tháng 9-2018, trên đường đến xưởng làm việc, chị Nguyễn Thị Châu, công nhân (CN) Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (quận Tân Phú, TP HCM), bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn khiến chị bị chấn thương cột sống (tỉ lệ thương tật 25%) và phải điều trị trong 4 tháng. Tuy sức khỏe đã dần hồi phục nhưng vết thương cũ vẫn khiến chị thường xuyên đau nhức, đi lại và làm việc khó khăn.
Hiểu nguyện vọng đoàn viên
Thu nhập của chị Châu khoảng 6 triệu đồng/tháng, còn chồng là bảo vệ, lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Gia đình chị hiện ở nhà thuê, đang nuôi 2 con nhỏ (4 tuổi và 13 tuổi) nên cuộc sống khá chật vật.
Để giảm bớt chi phí sinh hoạt, chị chọn chỗ thuê trọ khá xa chỗ làm (gần ngã tư An Sương, huyện Hóc Môn), trong khi phương tiện đi lại chỉ có chiếc xe đạp nên mỗi lần đến xưởng là cảm thấy mệt mỏi. Nhiều hôm sau giờ tan ca về nhà, toàn thân chị ê ẩm, đau nhức vì di chứng của vụ tai nạn. Mong ước đơn giản của chị là có chiếc xe đạp điện để đi làm đỡ vất vả hơn. Biết được tâm nguyện ấy của chị, mới đây LĐLĐ quận Tân Phú đã hỗ trợ 1 chiếc xe đạp điện. Nhận phần quà từ tổ chức Công đoàn, chị Châu rất bất ngờ và hạnh phúc: "Mong ước của tôi bao nhiêu năm qua, nay nhờ có Công đoàn mới thành hiện thực. Có phương tiện tốt để đi lại, tôi sẽ có sức khỏe để làm việc, qua đó cải thiện thu nhập để lo cho gia đình".
Chị Võ Thị Kim Oanh, CN Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Mỹ (quận Tân Phú, TP HCM), lại mong muốn có một chiếc máy may để nhận hàng về may lúc rảnh rỗi, kiếm thêm thu nhập. Chị Oanh có 2 con nhỏ (5 tuổi và 3 tuổi), chồng chị làm thợ hồ nên thu nhập bấp bênh. Nhiều năm nay, vợ chồng chị không hòa hợp nên việc chăm lo cho 2 con nhỏ một mình chị lo liệu. Với khoản thu nhập ít ỏi (6 triệu đồng/tháng), chị ưu tiên đóng tiền học cho 2 con, số còn lại gói ghém chi phí sinh hoạt trong nhà. Nhận phần quà là một chiếc máy may công nghiệp mới toanh do LĐLĐ quận gửi tặng, chị Oanh không kìm được xúc động nói: "Có phương tiện làm việc để cải thiện thu nhập, chắc chắn cuộc sống mẹ con tôi sẽ ổn định hơn".
Niềm vui của người lao động khi nhận sự hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn
San sẻ gánh lo
Ngoài hỗ trợ phương tiện đi lại và sinh kế, trong Tháng Công nhân, LĐLĐ quận Tân Phú còn trao 5 sổ BHXH tự nguyện cho các đoàn viên khó khăn.
Chị Đỗ Thị Kim Yến (50 tuổi), nhân viên tạp vụ tại UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, là một trong 5 trường hợp được LĐLĐ quận Tân Phú hỗ trợ mua BHXH tự nguyện trong 1 năm với số tiền 2 triệu đồng. Chị Yến cho biết trước đây chị có gần 17 năm làm việc tại một công ty và có tham gia BHXH. Vợ chồng chị đều bị khuyết tật, phải nuôi 2 con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn nên sau khi nghỉ việc chị đã lĩnh trợ cấp BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Tuổi cao, lại mắc nhiều chứng bệnh trong khi công việc của chồng không ổn định nên chị rất lo lắng cho tương lai. "Trước đây, tôi không hiểu về các chính sách BHXH nên đã nhận trợ cấp một lần. Nay tôi mới hiểu được lợi ích nếu tham gia BHXH. Do vậy, sổ BHXH tự nguyện do LĐLĐ quận tặng là cứu cánh lâu dài và tôi biết ơn vì điều đó" - chị Yến cho biết.
LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM lại chọn cách trao sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ) cho người lao động để giúp họ có khoản tích lũy, giải quyết khó khăn phát sinh. Nhận sổ tiết kiệm, chị Nguyễn Ngọc Thúy, CN Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, rất vui. Cách đây 3 năm, chị bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, gãy xương sườn, dập nội tạng, tỉ lệ thương tật 75%. Sau gần 1 năm điều trị, sức khỏe chưa hồi phục nhưng vì mưu sinh chị phải quay trở lại làm việc. Hằng ngày, chị dậy từ 3 giờ sáng để theo xe đưa rước từ Tiền Giang lên TP HCM làm việc và về nhà lúc trời đã khuya. Đồng lương CN của chị chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng trong khi thu nhập từ việc phụ hồ của chồng thì bấp bênh, do vậy gia đình hầu như không tích lũy được gì. "Sức khỏe yếu nên tôi vẫn phải dùng thuốc thường xuyên. Ở tuổi 43, không biết còn làm việc được bao lâu nên tôi rất lo cho tương lai. Giá trị sổ tiết kiệm không lớn nhưng sẽ giúp tôi an tâm hơn rất nhiều vì ít ra cũng có khoản tích lũy để dùng khi hữu sự" - chị Thúy chia sẻ.
Ổn định cuộc sống người lao động
Bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, cho biết: "Chăm lo cho đoàn viên để họ không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn ổn định cuộc sống về lâu dài là vấn đề mà chúng tôi trăn trở. Chính vì vậy, việc trao "cần câu" để giúp họ mưu sinh là cách chăm lo thiết thực nhất. Song, để "cần câu" phát huy tác dụng, trước khi thực hiện, chúng tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh, nhu cầu của từng đối tượng được chăm lo để trao phương tiện làm việc phù hợp. Chính vì ý nghĩa và sự thiết thực của chương trình mà số đơn vị hưởng ứng, tham gia hỗ trợ ngày càng nhiều và số lượng phương tiện được trao gấp đôi dự kiến ban đầu, từ 5 lên 10 phương tiện làm việc".
Bình luận (0)