Ngày 17-11, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Lao động, việc làm và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số". Hội thảo thu hút 67 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, tham luận về 2 nội dung: Lao động, việc làm trong kỷ nguyên số và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số .
Chuyên gia phát biểu tại hội thảo
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Hội thảo, đây là những bài viết, công trình nghiên cứu thực sự chất lượng, cho thấy những góc nhìn rộng, nhưng rất sâu về những vấn đề liên quan đến lao động việc làm, đồng thời chỉ ra thời cơ lớn, và những thách thức không nhỏ trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam.
Trình bày tham luận tổng quan về tình hình lao động, việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, đã cung cấp bức tranh tổng quát về tình hình lao động, việc làm ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa đi qua và để lại những hệ quả không nhỏ đến vấn đề lao động việc làm của người lao động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, bao gồm: Thị trường việc làm bị thu hẹp tối đa; thu nhập bị giảm sâu, thậm chí không có thu nhập; việc làm bị gián đoạn, bị mất việc; cuộc sống khó khăn dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; lao động di cư và khu vực phi chính thức chịu nhiều ảnh hướng lớn so với lao động khu vực chính thức do không được bảo vệ.
Theo TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện nền kinh tế tri thức thời đại mới.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là những đòi hỏi của thị trường lao động thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, thiếu nhân lực chất lượng cao là trở ngại lớn nhất trong hội nhập và phát triển kinh tế.
Theo TS Lê Mạnh Hùng, trong rất nhiều giải pháp đưa ra để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo được xem là nhiệm vụ then chốt, giải pháp trọng yếu để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bình luận (0)