Từ đầu năm 2022 đến nay, tại tỉnh Bình Dương, chuyện tăng lương luôn là chủ đề nóng hổi được nhiều công nhân (CN) trong các nhà máy bàn tán xôn xao trong bối cảnh giá cả tăng cao. Khi mong muốn cải thiện thu nhập không được người sử dụng lao động (NSDLĐ) đáp ứng, CN đã ngừng việc tập thể.
Giọt nước tràn ly...
Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH T.U (KCN Sóng Thần 1, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là minh chứng. Theo phản ánh của CN, thông thường vào đầu năm, công ty sẽ tăng 5% lương nhưng năm nay chỉ tăng 3%. CN cho rằng mức tăng này không đủ trang trải cuộc sống trước mắt.
Chị N.T.H, một nữ CN Công ty TNHH T.U, cho biết trước đây, chỉ cần khoảng 100.000 đồng là chị có thể mua đồ nấu ăn cho cả gia đình 4 người. Thế nhưng, từ khi xăng tăng giá, mỗi tháng vợ chồng chị phải chi thêm vài trăm ngàn đồng nữa. "Tiền trọ cũng được chủ nhà thông báo qua tháng sẽ tăng, trong khi tiền lương vẫn vậy khiến cuộc sống người lao động (NLĐ) càng khổ hơn. Nếu không tăng lương thì chúng tôi không biết bám víu vào đâu" - chị H lo lắng.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH T.U cho biết doanh nghiệp (DN) luôn quan tâm, chăm lo cho CN nhưng do kinh doanh gặp khó khăn vì dịch bệnh nên không thể điều chỉnh lương như mong muốn của NLĐ. Công ty bày tỏ mong muốn CN đồng hành để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cán bộ Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương tuyên truyền, giải thích cho công nhân về chính sách tiền lương
Sau 5 ngày đàm phán căng thẳng giữa với Công đoàn và tập thể NLĐ, cuối cùng, Công ty TNHH T.U chấp thuận tăng 4% lương cơ bản trong năm 2022. Để đi đến kết quả này, LĐLĐ tỉnh Bình Dương và Công đoàn cơ sở đã phải chứng minh cho công ty thấy rằng hiện giá nhu yếu phẩm tăng cao, nếu lương không tăng thì sẽ không đủ cho NLĐ trang trải cuộc sống. Khi NLĐ nhảy việc, đi tìm nơi có thu nhập cao hơn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất lâu dài của DN.
"Thay vì tốn chi phí tuyển lao động mới thì sử dụng tiền này để chăm lo cho NLĐ đang làm việc, từ đó họ sẽ gắn bó với công ty lâu dài hơn" - một cán bộ Công đoàn tỉnh Bình Dương phân tích.
Hài hòa lợi ích
Hai năm qua, trước những khó khăn của DN do dịch bệnh gây ra, lương tối thiểu vùng đã không được điều chỉnh. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống NLĐ, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hiểu được khó khăn ấy nên nhiều DN đã chủ động tăng lương nhằm giúp NLĐ ổn định cuộc sống trước mắt. Qua khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, mức nâng lương ở các DN thấp nhất 250.000 đồng/tháng, cao nhất 350.000 đồng/tháng.
Ông Trần Hoàng Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hariki Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), cho biết: "Mỗi lần đề xuất tăng lương cho NLĐ, để thuyết phục DN, Công đoàn phải đưa ra những lý do chính đáng. Cụ thể, ngoài thăm dò tiền lương của các DN cùng ngành nghề, chúng tôi còn tham khảo giá cả các mặt hàng thiết yếu để có cơ sở đề xuất với ban giám đốc. Nhờ cách làm bài bản này mà ngay từ đầu năm 2022, công ty đã tăng 4% lương cơ bản cho NLĐ".
Công đoàn cơ sở đang đề xuất công ty tăng thêm 3% đối với CN mới, vì lương cơ bản của nhóm này chỉ 4,8 triệu đồng/tháng, khó đáp ứng được cuộc sống tối thiểu. "Phía công ty đã đồng ý, chỉ chờ quyết định từ tập đoàn" - ông Phát kỳ vọng.
Từ thực tiễn tham gia giải quyết tranh chấp lao động, ông Trần Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương, cho rằng ngoài thiện chí của NSDLĐ thì tổ chức Công đoàn phải "xắn tay" vào, chứ không thể để DN một mình tự quyết, đặc biệt là trong bối cảnh vật giá leo thang.
"Cán bộ Công đoàn cơ sở phải đeo bám đời sống CN, từ đó kịp thời đề xuất DN cải thiện chế độ tiền lương và đãi ngộ. Có chủ động như vậy thì Công đoàn sẽ giúp các bên giải quyết các bức xúc phát sinh từ gốc, từ đó ngăn ngừa hiệu quả tranh chấp" - ông Vân nhìn nhận.
Bà NGUYỄN KIM LOAN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
Tăng cường đối thoại
Trong quý I/2022, tỉnh Bình Dương xảy ra 11 vụ tranh chấp lao động tập thể với 5.543 người tham gia, chủ yếu liên quan việc yêu cầu đòi tăng lương và thực hiện các chế độ theo Nghị quyết 68 về hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn, NLĐ cần thông cảm với khó khăn của DN. Phía DN cũng nên xem xét điều chỉnh chế độ tiền lương để bảo đảm đời sống NLĐ được tốt hơn. Công đoàn cấp trên và Công đoàn cơ sở cần tăng cường các biện pháp đối thoại, thương lượng với NSDLĐ để nâng cao chế độ phúc lợi cho NLĐ trong thỏa ước lao động tập thể; tuyên truyền với cả NLĐ và NSDLĐ về chính sách lương - thưởng, làm sao cho hài hòa lợi ích của các bên trong bối cảnh "bão giá" hiện nay.
Bình luận (0)