Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21-10-2019). Liên tục nhiều tháng qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ các tỉnh, TP đã tổ chức nhiều buổi đóng góp ý kiến cho dự luật này. Hai vấn đề nổi cộm được đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) và người lao động (NLĐ) đóng góp ý kiến nhiều nhất vẫn là việc tăng tuổi hưu và làm thêm giờ.
"Công nhân ngoài 40 tuổi là đuối lắm rồi"
Góp ý về vấn đề tăng tuổi hưu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.
Phần lớn người lao động không đồng tình tăng tuổi hưu và giờ làm thêm Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều cán bộ CĐ, đặc biệt là công nhân (CN) trực tiếp sản xuất rất tán thành đánh giá này của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, CN Công ty TNHH F.T (KCX Linh Trung I, quận Thủ Đức, TP HCM), bộc bạch: "Tôi mới 35 tuổi nhưng đã thấy sức khỏe giảm sút rõ rệt. Công việc lặp đi lặp lại, chưa kể phải ngồi lâu khiến tôi bị đau lưng, chóng mặt. Hôm nào tăng ca về là thấy mệt mỏi, không thiết đến chuyện cơm nước. Theo tôi, nên giữ nguyên quy định tuổi hưu hiện tại bởi ngoài 40 là CN đuối lắm rồi". Tương tự, bà Trịnh Thị Lệ Hằng, đang làm việc tại KCX Linh Trung I, chia sẻ: "Tôi năm nay 43 tuổi mà thấy sức khỏe đã cạn kiệt. Tôi trụ được như vậy là khá lắm rồi, chứ nhiều đồng nghiệp mới tròm trèm 40 đã bị mắt mờ, chân run, không còn đủ sức tăng ca. Nhiều người còn bị chủ doanh nghiệp (DN) đẩy ra đường do tuổi cao, năng suất lao động kém. Cơ quan soạn thảo nên lắng nghe ý kiến NLĐ, đừng tính toán việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với CN trực tiếp sản xuất".
Không chỉ CN trực tiếp sản xuất, nhiều cán bộ, công chức cũng bày tỏ không đồng tình. Bà Nguyễn Thị Bé, giáo viên mầm non vừa về hưu ở quận 3, TP HCM, góp ý: "Giáo viên mầm mon bước sang tuổi 40 là không thể chạy nhảy, múa hát như lúc mới ra trường. Theo tôi, đối với những công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, giáo viên mầm non thì không nên tăng tuổi hưu, thay vào đó là tạo điều kiện để họ chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp; trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm".
Đừng vắt kiệt sức NLĐ
Trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn đề xuất nới rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Theo các chuyên gia lao động, tăng giờ làm thêm là xu thế đi ngược với sự tiến bộ. "Tăng trưởng kinh tế luôn đi liền với tiến bộ về mặt xã hội. Do vậy, sẽ là vô lý nếu 30 năm nay, kinh tế tăng trưởng mà chúng ta không nghĩ đến giảm giờ làm, lại muốn tăng giờ làm thêm chỉ để đáp ứng nguyện vọng của một số doanh nghiệp (DN) thì đó là không phù hợp" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Chị Lê Thị Oanh, CN Công ty TNHH D.M (KCX Linh Trung I, quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết: "Tăng ca liên tục khiến CN kiệt sức do không có thời gian hồi phục sức khỏe. Thế nhưng, thu nhập thấp khiến chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Tăng ca nhiều cũng khiến chúng tôi phải đánh đổi nhiều thứ, từ việc sức khỏe sa sút đến không có thời gian chăm sóc con cái. Thực sự chúng tôi không muốn tăng giờ làm thêm".
Ở góc nhìn của người sử dụng lao động, ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), cho rằng việc nới rộng khung giờ làm thêm cần được xem xét thấu đáo, hài hòa được lợi ích các bên trong quan hệ lao động. Thực chất, tăng giờ làm thêm cũng sẽ khiến DN gia tăng chi phí sản xuất, chưa kể trả thêm tiền lương làm thêm giờ. "Ngoài tổ chức sản xuất hợp lý, DN cũng tính đến việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và tay nghề CN để tăng năng suất lao động. Giải quyết được bài toán này sẽ hạn chế phần nào việc tăng ca, đặc biệt là khi DN ở vào thời điểm đơn hàng gấp" - ông Wang Chen Yi góp ý.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Hồ Thanh Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất cơ khí, cầu trục và lắp máy Tân Cơ (quận Bình Thạnh, TP HCM), không thể phủ nhận việc một bộ phận NLĐ muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập. Về phía chủ DN, do nhu cầu sản xuất nên cũng muốn tăng giờ làm thêm. Do vậy, ông Tâm cho rằng để tránh tình trạng DN tăng giờ làm thêm thì dự thảo luật phải có những điều khoản ràng buộc DN. Ví dụ như quy định số giờ làm thêm tối đa trong ngày, trong tháng và phải thỏa thuận với NLĐ một cách thực chất, không để tình trạnh thỏa thuận cho có nhưng thực ra là ép buộc…
Ông TRẦN THANH SƠN, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc G&G II (quận Tân Bình, TP HCM):
Không nên tăng tuổi nghỉ hưu
Đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ và từ 60 lên 62 đối với nam trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi gây bất ổn đến tâm lý NLĐ khối sản xuất trực tiếp. Phần lớn CN trực tiếp sản xuất chủ yếu là lao động phổ thông, phải thao tác trên các thiết bị máy móc cũ, mất nhiều sức lao động nên năng suất thấp. Những lao động này chỉ sau 20-25 năm làm việc là sức khỏe đã giảm sút. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi với đối tượng này là không hợp lý. Bộ Luật Lao động phải bảo vệ được bên yếu thế trong quan hệ lao động.
Bình luận (0)