Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy thanh niên là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra. Ước tính, trong sáu thanh niên thì có một người có thể bị mất việc vì đại dịch. Báo cáo của ILO cũng cho thấy đại dịch Covid-19 tạo nên cú sốc đối với thanh niên, làm hủy hoại việc làm của họ, làm gián đoạn việc học hành và đào tạo, tạo nên nhiều trở ngại đối với những người muốn tham gia thị trường lao động hay muốn thay đổi công việc.
Tuy là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bênh, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm cũng tăng đáng kể. Đó cũng là lý do hàng ngàn thanh niên Việt Nam sẽ phải tìm công việc mới sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021. Câu hỏi đặt ra lúc này với ứng viên (ƯV), người lao động (NLĐ) là chọn kênh nào để nhanh chóng tìm được việc làm như ý.
Tận dụng sức mạnh của internet
Chia sẻ về chủ đề này, bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc công ty CP truyền thông số Flamingo, đồng thời cũng là người sáng lập mạng lưới việc làm FreelanceViet cho rằng chúng ta đang sống trong "thế giới phẳng" và công nghệ kết nối qua internet là phương tiện không thể thiếu trong mọi công việc, kể cả tìm việc làm. Chỉ cần gõ cùm từ "tuyển dụng" trên thanh công cụ Google, khoảng 146 triệu kết quả tìm kiếm hiện ra trong chỉ 1,28 giây. Điều đó cho thấy nguồn dữ liệu việc làm, tuyển dụng rất khổng lồ trên không gian mạng. Vậy thì chẳng có lý do nào chúng ta không dùng internet làm công cụ tìm kiếm việc làm cả.
"Ưu điểm khi dùng internet để tìm việc làm là kênh này phù hợp với đa số các lĩnh vực, loại hình việc làm, dễ tìm kiếm, nguồn thông tin lớn. Còn nhược điểm cố hữu là khó điểm định được chất lượng thông tin. Do đó ƯV phải biết chọn lọc thông tin trên không gian mạng bằng cách chọn những website uy tín từ lâu như careerbuilder, vietnamworks, vieclam.24h, careerlink, mywork, timvieclam… Cách tốt nhất là sau khi chọn được thông tin tuyển dụng ưng ý, hãy liên lạc với doanh nghiệp (DN) tuyển dụng để tìm hiểu kỹ hơn về thông tin đó", bà Khanh nói.
Internet là kênh hiệu quả nhất để ƯV tìm kiếm việc làm phù hợp và nhanh chóng nhất
Kênh tiếp theo mà khó có thể bỏ qua là Facebook - theo bà Khanh, bao gồm cả các Fanpage tuyển dụng của các DN lớn và cả các Group chuyên đăng tin tuyển dụng phân theo chuyên ngành. Ưu điểm của kênh Facebook là dễ dàng kết nối trực tiếp với nhà tuyển dụng qua công cụ bình luận và chát, đồng thời theo dõi được quá trình tuyển dụng của DN tuyển dụng. Tuy nhiên, cũng như trên các website tuyển dụng, Facebook cũng có nhược điểm là khó kiểm chứng thông tin và kênh này đã xuất hiện những chiêu thức lừa đảo người tìm việc.
Anh Trần Trung Hiếu, CEO TopCV cho rằng công nghệ kết nối qua internet đang tạo ra nhiều cơ hội cho cả ƯV và cả DN tuyển dụng. Tuy nhiên, hiện công nghệ web thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào web cũng như trên app đang tạo ra cơ hội lớn hơn cho ƯV và cả nhà tuyển dụng.
"Việc ứng dụng AI vào công việc tuyển dụng đang là xu hướng và hiện TopCV đang là đơn vị tiên phong làm điều đó. Chúng tôi hiện đang có hơn 2 triệu ứng viên và 60 ngàn nhà tuyển dụng đang tìm thấy nhau. Ở trên đó, nhờ AI, những ƯV có có hội tiếp cận những công việc phù hợp với mình và ngược lại nhà tuyển dụng cũng dễ tìm thấy ƯV của mình hơn cả trình độ, kỹ năng và khoảng cách địa lý", anh Hiếu nói.
Định vị bản thân và mối quan hệ cá nhân
ƯV đừng nghĩ rằng Facebook, Twitter, Instagram,… chỉ là công cụ giúp bạn theo dõi thông tin về cuộc sống của bạn bè, người thân trong thời gian rảnh rỗi. Ngày nay, những công cụ này là cách tốt nhất để xây dựng hình ảnh cá nhân, hay nói cách khác là xây dựng thương hiệu cá nhân. Chúng ta cần phải biết rằng mỗi ngày lại có hàng trăm, hàng ngàn ƯV, nhà tuyển dụng tìm việc, tìm người trên các trang mạng xã hội này. Đây chính là cơ hội để ƯV xây dựng hình ảnh, mối quan hệ với các nhà tuyển dụng cũng như các đầu mối thông tin tuyển dụng có được từ bạn bè trên các trang mạng xã hội đó.
Có một sự thật mà các ƯV cần phải biết đó là yếu tố người thân được nhiều nhà tuyển dụng suy nghĩ đầu tiên khi công ty họ muốn tìm kiếm ƯV cho các vị trí sắp được tuyển dụng. Rất nhiều DN chọn phương án tuyển nhân sự từ nguồn người thân, bạn bè của những nhân sự đang làm việc trong DN của họ để giảm thiểu những nguy cơ nhảy việc và cũng là kênh không tốn chi phí tuyển dụng. Theo lý giải của các nhà quản trị nhân sự trong các DN này, họ nhận thấy khi tuyển nhân sự từ nguồn người thân, họ luôn có được những nhân sự "chất lượng cao" vì ai cũng muốn "nở mày nở mặt" khi giới thiệu nhân sự cho công ty. Như vậy, khi ƯV đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới, hãy "bắn" tín hiệu cho người thân, bạn bè biết để họ ghi nhận thông tin của bạn, biết đâu bạn sẽ nhận được lời mời ứng tuyển ngay trong mùa xuân này!
Đến với các ngày hội việc làm cũng là kênh tìm việc làm hiệu quả
Tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua các ngày hội việc làm nghe có vẻ cũ nhưng vẫn mang lại những giá trị cao, đặc biệt phù hợp với những ƯV mới ra trường. Tại các ngày hội việc làm, ƯV dễ dàng quan sát được quy mô, độ chuyên nghiệp và sự uy tín của nhà tuyển dụng và hơn nữa là ƯV dễ dàng gặp gỡ trưc tiếp với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đừng nên tham gia hội chợ việc làm theo phong trào, không mục đích, không kế hoạch cụ thể mà hãy chọn lọc những hội chợ việc làm đúng chuyên ngành, uy tín để đến.
Cảnh báo bẫy lừa đảo tuyển dụng trên mạng xã hội
Với những lời quảng cáo có cánh về việc làm, thời gian, mức lương…, bẫy tuyển dụng lừa đảo giăng khắp nơi trên mạng xã hội Facebook đã khiến không ít sinh viên, người tìm việc bị mất tiền cho các "công ty ma" giới thiệu việc làm ảo.
Các "công ty ma" này lấy các thương hiệu lớn làm các trang tuyển dụng của riêng mình như The Coffee House tuyển dụng, Co.op Food tuyển dụng, Mini Stop tuyển dụng, Lotte Cinema tuyển tụng, Family Mart tuyển dụng… với đa dạng vị trí việc làm cũng như mức lương, cơ hội hấp dẫn để thu hút người tìm việc.
Khi truy cập vào các trang trên, thay vì chạy đến địa chỉ của các công ty năm các thương hiệu trên thì lại được dồn đến địa chỉ của các "công ty ma" đóng tại Thủ Đức, Gò Vấp. Đó là các địa chỉ phỏng vấn gồm: 89A đường số 12, phường Tam Bình, TP Thủ Đức và 129 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM.
Sau khi người tìm việc phải đóng 600.000 đồng thế chân để đề phòng nghỉ việc mà không trả đồng phục và thu thêm 300.000 đồng mà như giải thích là "chi phí làm thẻ chấm công và 100.000 đồng để làm thẻ ngân hàng" thì NLĐ được cầm phiếu hẹn về chờ gọi đi làm. Tuy nhiên, chẳng có ai được kêu đi làm như hứa hẹn.
Hai công an viên phường Tam Bình (TP Thủ Đức) có mặt để giữ trật tự và sau đó những người bị lừa được trả lại tiền.
Đây là hình thức lừa đảo không mới nhưng nhiều NLĐ, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường vẫn sập bẫy. Cách duy nhất để không bị lừa theo kiểu này là hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi đóng tiền bằng cách liên hệ trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Không ngừng rèn luyện, học tập
Ở góc độ là một chuyên gia dự báo thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho rằng với kết quả kiểm soát dịch bệnh thuộc hàng tốt nhất thế giới như hiện nay, Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi kinh tế và đó là cơ hội cho thị trường lao động, việc làm.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP HCM
"Hãy chuẩn bị tốt nhất có thể để tham gia thị trường lao động sau kỷ nghỉ Tết bởi đây là giai đoạn các nhà tuyển dụng bắt đầu gia tăng tuyển dụng để thực hiện các kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong năm Tân Sửu. Tôi lưu ý với người tìm việc rằng các nhà tuyển dụng ở TP HCM ngày càng "khó tính", họ đòi hỏi nhiều hơn ở kỹ năng, trình độ và khả năng thích ứng nhanh với công việc. Vì thế người tìm việc khoan hãy nghĩ đến tìm việc ở đâu mà xem bản thân còn thiếu những gì cho công việc sắp tới của mình. NLĐ thế hệ mới phải không ngừng học hỏi, cập nhật công nghệ và sử dụng thành thạo vi tính để gia tăng cơ hội việc làm của mình", ông Tuấn nói.
Bình luận (0)