Việt Nam mở đường bay đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với tần suất 2 chuyến mỗi tuần, từ ngày 15-9. Trong đó, Vietnam Airlines chính thức khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên bằng việc thực hiện những chuyến bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản từ ngày 18-9. Đó là thông tin mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) vui mừng nhất sau một thời gian dài chờ đợi.
Doanh nghiệp phấn khởi
Tối 17-9, ở khu vực tiễn ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất khá đông người, khác với sự vắng vẻ từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong số những người chuẩn bị bay, có một nhóm 8 người sang Nhật theo diện thực tập sinh (TTS).
Bà Hồng Thảo, đại diện DN ra tiễn nhóm lao động sang Nhật, cho biết số lao động này đáng lẽ đã bay từ tháng 3 nhưng do dịch bệnh nên visa hết hạn, cuối tháng 8 vừa rồi mới được Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM cấp đổi lại nên hôm nay mới khởi hành. "Từ khi được tin Nhật Bản mở lại việc cấp visa cho lao động, công ty chúng tôi đã dốc toàn bộ nhân sự làm hồ sơ cấp mới, cấp đổi cho học viên. Đã có gần 30 hồ sơ được duyệt, hơn 10 visa được cấp và hiện chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho khoảng 50 học viên nữa dự kiến sẽ bay vào cuối tháng 9 hoặc trong đầu tháng 10" - bà Thảo nói.
Học viên Công ty TNHH Nhật Huy Khang (quận Bình Thạnh, TP HCM) phỏng vấn đơn hàng trực tuyến
Ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO (quận Tân Bình, TP HCM), nhìn nhận những DN làm trong lĩnh vực XKLĐ như ông rất phấn khởi trước thông tin mở lại các chuyến bay và đó là tín hiệu khả quan cho cả ngành XKLĐ.
Theo ông Thanh, nếu không sớm nối lại các chuyến bay đến những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, các DN XKLĐ sẽ gặp không ít khó khăn bởi chi phí duy trì hoạt động rất lớn, người lao động (NLĐ) không thể bay cũng khiến cho chi phí DN đội lên và cũng mệt mỏi vì phải chờ đợi. Rất may là cả Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc khống chế dịch bệnh khá tốt nên ngày hoạt động bình thường trở lại sẽ không còn xa.
"Đại sứ quán mở lại việc cấp visa cho lao động, Chính phủ mở lại các đường bay chính là hỗ trợ đáng kể cho DN XKLĐ và cả NLĐ. Gần như ngay lập tức, chúng tôi hoàn thành mọi thủ tục bay cho học viên cũng như liên hệ với các học viên đã về quê quay lại để làm thủ tục bay, khám sức khỏe. Chúng tôi cũng kết nối lại các đối tác của mình ở Nhật để phỏng vấn trực tuyến cũng như lấy các đơn hàng mới để lên kế hoạch tuyển sinh mới" - ông Thanh nói.
Người lao động vui mừng
Ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET; quận Bình Tân, TP HCM), nhận xét tuy các chuyến bay thương mại chưa được nối lại nhưng việc đưa học viên sang học tập và làm việc tại Đức đã sôi động trở lại. Đức không yêu cầu cách ly 14 ngày đối với công dân Việt Nam khi nhập cảnh Đức mà chỉ kiểm tra y tế tại sân bay.
"Ngay trong lúc dịch bệnh đang đỉnh điểm, Đức vẫn cấp visa cho công dân Việt Nam sang Đức học nghề ngành điều dưỡng, sau đó cấp visa cho các ngành khác và hiện họ đã bình thường lại các hoạt động liên quan đến học tập và làm việc. Cơ quan lãnh sự cũng đẩy mạnh việc cấp visa cho học viên sang Đức học tập nên từ tháng 8, IET đã đưa được 8 học viên sang Đức học tập và làm việc các ngành điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí ôtô" - ông Du nói.
Có visa sang Nhật làm TTS ngành điện tử từ tháng 3, sau hơn 5 tháng chờ đợi, đầu tuần vừa rồi, Lê Văn Hùng (22 tuổi, quê Trà Vinh) mới được công ty thông báo sẽ bay vào cuối tháng 9. Niềm vui vỡ òa sau nhiều tháng chờ đợi trong mỏi mòn, Hùng bộc bạch: "Em cứ tưởng ước mơ sang Nhật đã hết nhưng giờ thì em đã chạm vào rồi. Em đang chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể để xuất ngoại. Ba năm ở Nhật chắc chắn em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành thật tốt công việc, tích lũy tiền để lo cho tương lai".
Hùng kể trong nhóm cùng học tiếng Nhật đã có bạn xin việc làm, chạy xe ôm công nghệ kiếm sống nhưng khi biết tin có thể sang Nhật trong năm nay nên liên hệ với công ty để được làm hồ sơ xin visa nhằm tiếp tục nuôi ước mơ sang Nhật làm việc. Họ đều xem Nhật Bản là bàn đạp cho sự nghiệp sau 3 - 5 năm làm TTS.
Tham gia đơn hàng sang Hàn Quốc làm việc thời vụ, chị Hồ Thị Vương (33 tuổi, quê Hà Nam) chia sẻ rằng đã đăng ký tham gia và trúng tuyển nhưng do không có chuyến bay nên chị vẫn chưa được sang Hàn Quốc làm việc. Ngay khi biết sắp có chuyến bay, chị đã liên hệ với trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh để nắm thông tin.
Chị Vương cho biết trung tâm đang tích cực làm việc với phía Hàn Quốc để chị và 28 người khác sẽ sang Hàn Quốc sớm nhất, có thể trong tháng 10. Niềm vui đã trở về với chị sau nhiều tháng chờ đợi. Chị Vương kể làm nông ở quê vất vả mà thu nhập bấp bênh, trình độ cũng có hạn nên chị chọn sang Hàn Quốc làm việc thời vụ là cơ hội để cải thiện đời sống. Chị hy vọng với 3 tháng làm công việc thu hoạch rau củ tại xứ sở kim chi, chị có thể có được một khoản tiền kha khá để trả nợ và làm lại nhà bếp đang xuống cấp.
Tăng cường hỗ trợ người lao động
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay việc NLĐ được xuất cảnh đến các nước sau khi Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp nhận, chính sách tiếp nhận của các quốc gia, như yêu cầu thời hạn cách ly, yêu cầu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm... Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam có chính sách hỗ trợ việc cấp visa và các giấy tờ khác cho NLĐ tiếp tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thông thoáng về hồ sơ, thủ tục để DN nhanh chóng khôi phục lại hoạt động.
Bình luận (0)