Xông vào tâm dịch, các chị không quản ngại nguy hiểm, khó khăn chỉ mong làm sao có thể hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhất là công nhân (CN) lao động. Đó là mẫu số chung của những gương điển hình tham gia chương trình giao lưu "Những đóa hồng thầm lặng" do LĐLĐ TP HCM phối hợp Cung Văn hóa Lao Động thành phố, CLB Văn hóa Doanh nhân Cung Văn hóa Lao Động tổ chức sáng 4-3, nhân kỷ niệm 112 năm Quốc tế Phụ nữ 8-3 (8.3.1910 - 8.3.2022) và 1.982 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Lăn xả vì cộng đồng
Tinh thần dấn thân, cống hiến hết mình vì cộng đồng của họ trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp đã truyền cảm hứng tích cực tới nhiều tầng lớp nhân dân. Nỗ lực không mệt mỏi của các chị đã góp phần tạo thêm vùng xanh cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Các gương điển hình giao lưu tại chương trình “Những đóa hồng thầm lặng”
Một trong những điển hình là bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Ban Dân vận Quận ủy Tân Phú, nguyên Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM. Dịch bệnh bùng phát khiến rất nhiều CN bị nhiễm bệnh, phải cách ly tại phòng trọ, do vậy việc tiếp cận lương thực, thực phẩm hết sức khó khăn. Cùng với đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách, bà Lan lặn lội đến từng khu nhà trọ tiếp tế thực phẩm cho CN. Sự tận tụy của bà để lại ấn tượng đẹp với CN ngoại tỉnh. Bà Lan kể trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, LĐLĐ quận Tân Phú được các đơn vị và nhà hảo tâm hỗ trợ 60 tấn gạo, vài chục tấn rau củ quả. Cùng với các cán bộ Công đoàn, bà Lan đứng ra tiếp nhận, phân loại hàng hóa, có hôm đến 2 giờ sáng mới xong. Trở về nhà nghỉ ngơi được vài giờ, họ lại lên đường mang thực phẩm đến tay CN.
"Lúc ấy, trên địa bàn quận có 50.000 CN ở trọ không ra ngoài được, khó khăn thiếu thốn trăm bề. Lo cho CN là trách nhiệm của cán bộ Công đoàn, tôi dặn lòng như vậy và động viên anh chị em cơ quan nỗ lực hết sức mình để tiếp tế thực phẩm sớm nhất cho họ" - bà Lan nói. Cả hội trường lặng đi khi biết thời điểm đó, con gái bà Lan phải chạy thận ở bệnh viện. Buổi sáng, bà Lan chở con đến bệnh viện, sau đó quay về cùng đồng nghiệp mang thực phẩm đến các khu nhà trọ. Cũng trong những ngày cao điểm dịch ấy, bà Lan trở thành F0, phải vào khu cách ly để giữ an toàn cho con.
Chưa từng chịu cực khổ nhưng trong những ngày đỉnh dịch, diễn viên Nam Thư cũng dậy từ lúc 6 giờ để mang từng túi thuốc, túi rau quả cho người dân khó khăn. Dù cân nặng chỉ 45 kg nhưng Nam Thư vẫn tự khuân vác hàng hóa và lái xe đến từng khu dân cư, xóm trọ tiếp tế cho bà con nghèo. Nam Thư chia sẻ: "Đó là những ngày tôi không thể nào quên được và cũng không sợ hãi, ngại cực, chỉ biết bà con đang rất cần mình. Thế là, tôi lao đi".
Không ngại gian khó, hiểm nguy
Đối với bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Tổ trưởng Tổ Hộ lý - Khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, năm 2021 là một năm không thể nào quên. Dịch Covid-19 bùng phát khiến các bệnh viện quá tải, trong đó có rất nhiều trẻ em nhiễm Covid-19. Rất nhiều bé nhập viện chỉ có bố hoặc mẹ chăm sóc. Chứng kiến nỗi vất vả của cha mẹ các bé trong việc chăm sóc con, bà Hạnh cùng đồng nghiệp không ngại xắn tay giúp đỡ, dù biết rằng sẽ đối diện rủi ro. Trong những ngày ấy, có những lúc các y, bác sĩ phải bất lực chứng kiến những tiếng khóc xé lòng của các ông bố, bà mẹ khi con không qua khỏi. "Lúc ấy, chúng tôi chỉ ước có một phép màu xảy ra để các bé được trở về với gia đình. Dịch Covid-19 quá khắc nghiệt!" - bà Hạnh nghẹn ngào.
Là một phụ nữ mạnh mẽ, không khuất phục trước dịch bệnh, bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch HĐQT Talentnet Corporation, Phó Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân thành phố, xông xáo tìm nguồn vắc-xin cho nhân viên, vận động các doanh nhân, các nhà hảo tâm tổ chức chương trình Siêu thị 0 đồng cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí cho người lao động khó khăn, người dân tại các khu cách ly, phong tỏa. Không chỉ thực hiện ở thành phố, chương trình đã lan tỏa đến các tỉnh, thành khác. CLB Nữ Doanh nhân thành phố còn tổ chức chương trình văn nghệ trực tuyến quyên góp hỗ trợ tuyến đầu chống dịch được người dân cả nước ủng hộ nhiệt tình.
Ông PHẠM HỮU PHƯỚC HUY, Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao Động TP HCM: Cùng TP vượt qua đại dịch
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, phụ nữ hiện đại Việt Nam không chỉ là người nội trợ trong gia đình, là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành mà còn là NLĐ tạo ra vật chất, nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển xã hội. Họ đang hướng tới hình ảnh thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn. Năm 2021, thành phố đã phải chống đỡ đầy khó khăn trước đại dịch Covid-19. Để vượt qua những khó khăn, góp phần mang lại cuộc sống bình thường mới như hiện nay là sự chung tay của chính quyền các cấp, của các tổ chức đoàn thể, các cá nhân, tổ chức và chắc chắn rằng trong đó có sự chung tay rất lớn của những người phụ nữ.
Chính các mẹ, các chị, các em dù ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào, có thể họ là doanh nhân thành đạt, một cán bộ Công đoàn, một nữ hộ lý hoặc một nghệ sĩ... nhưng tựu trung nổi bật ở họ là những người tinh tế, không ngại khó khăn, thậm chí chấp nhận hy sinh và mất mát để cùng đóng góp, chung tay hỗ trợ người dân, CNLĐ cùng thành phố vượt qua những khó khăn mà đại dịch Covid-19 đã gây ra.
Bình luận (0)