Liên quan đến chủ trương của Thành ủy TP HCM về giảm 1/2 thu nhập tăng thêm của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) trên địa bàn TP trong năm 2020 để hỗ trợ những người lao động (NLĐ) mất việc do dịch bệnh Covid-19, tại phiên họp HĐND TP HCM vào chiều 27-3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ điều chỉnh hệ số tính tăng thu nhập cho CB, CC, VC năm 2020 nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
Sẵn lòng ủng hộ
Cụ thể, đối với CB, CC, VC có hệ số lương trên 3,00: hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa từ 1,2 xuống 0,6 so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020. Đối với CB, CC, VC có hệ số lương từ 3,00 trở xuống: hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa từ 1,2 xuống 0,8 so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020. Cũng theo UBND TP, đối với những NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp), bao gồm giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà NLĐ bị mất việc; tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến 6-2020. Số lượng lao động được hỗ trợ dự kiến là 600.000 lao động.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, số đông CB, CC, VC đều rất ủng hộ chủ trương này của TP. Chị Hoàng Mai Trân, Trưởng Kênh Kinh tế Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, bày tỏ: "Nhiều NLĐ bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất... Việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình họ. Do vậy, việc TP quyết định giảm một phần thu nhập tăng thêm của CB, CC, VC để hỗ trợ đối tượng này là chủ trương đúng đắn trong tình hình hiện nay. Dù biết mất một nửa thu nhập tăng thêm, nhiều CB, CC, VC sẽ khó khăn nhưng chúng tôi sẵn lòng, vì dù sao, chúng tôi vẫn còn việc làm, còn thu nhập, còn NLĐ mất việc khổ hơn nhiều".
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TP HCM), chia sẻ: "Thu nhập của giáo viên giảm do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, song trước khó khăn chung của TP, đặc biệt là NLĐ, chúng tôi ủng hộ chủ trương giảm một phần thu nhập tăng thêm để hỗ trợ cho NLĐ. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp dạy các cơ sở mầm non tư nhân, các trường tư thục phải đóng cửa vì dịch bệnh, họ phải xoay trở đủ nghề để sống, để tiếp tục đứng lớp khi dịch bệnh đi qua. Mong cho tất cả chúng ta cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Bà Bùi Thị Bên - chủ nhà trọ tại khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM (trái) - tặng khẩu trang cho công nhân ở trọ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xúc động vì được sẻ chia
Nghe tin TP có chủ trương hỗ trợ, công nhân (CN) tại các DN gặp khó khăn rất phấn khởi và xúc động.
Chị Nguyễn Thị Thu Quyên, Công ty TNHH May Việt Sang (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết vợ chồng chị cùng làm CN tại công ty. Dịch bệnh bùng phát khiến đơn hàng DN ít đi, sản xuất cầm chừng, thu nhập của CN vì vậy bị giảm 50%. Trong khi đó, nhiều khoản chi phí trong mùa dịch lại phát sinh nên cuộc sống đã thiếu trước hụt sau nay lại càng khó khăn hơn. "Chúng tôi rất lo lắng không biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu và liệu công ty có thể giữ được việc làm cho người NLĐ hay không? Nghe thông tin TP HCM sẽ hỗ trợ cho những NLĐ bị mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nguồn kinh phí sẽ trích từ thu nhập tăng thêm của CB, CC, VC TP, tôi rất xúc động. Tinh thần sẻ chia của đội ngũ CB, CC, VC với những CN đang rơi vào tình trạng mất việc làm hoặc giảm việc làm rất có ý nghĩa".
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - cho biết thời gian qua, một số DN trên địa bàn quận gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đã tác động trực tiếp đến việc làm và đời sống của NLĐ. Một vài DN đã cho NLĐ nghỉ việc, chẳng hạn Công ty CP Giày An Lạc đã cho 265 CN nghỉ việc cuối tháng 2-2020 hay Công ty TNHH Max Vina dự kiến tạm ngưng hoạt động từ tháng 4-2020, ảnh hưởng đến việc làm của hơn 100 CN...
"So với đội ngũ CB, CC, VC hiện đang có nguồn thu nhập ổn định thì đời sống NLĐ, đặc biệt là CN, khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc Thành ủy TP HCM chủ trương giảm 1/2 thu nhập tăng thêm của toàn bộ CB, CC, VC trên địa bàn TP trong năm 2020 để hỗ trợ những NLĐ mất thu nhập do dịch bệnh Covid-19 là chính sách đúng đắn và nhân văn, thể hiện được sự sẻ chia trong cộng đồng" - ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Hải kiến nghị TP và các ngành chức năng cần có hướng dẫn thực hiện cụ thể, quy định rõ điều kiện hưởng để chính sách chăm lo đến được đúng đối tượng mất việc, mất thu nhập. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm thống kê đối tượng hưởng và nơi chi trả để dễ thực hiện.
Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi tiếp tục quan tâm, hỗ trợ NLĐ
Thay mặt đoàn viên Công đoàn và CNVC-LĐ cả nước, chiều 27-3, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã có thư cảm ơn, ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ quý báu về tinh thần và vật chất của các tổ chức, cá nhân đối với đoàn viên và công nhân lao động (CNLĐ) khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong thư, ông Nguyễn Đình Khang viết: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước đã tác động toàn diện đến sản xuất, việc làm và đời sống của CNVC-LĐ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cùng sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã có các hình thức tự nguyện chia sẻ khó khăn với CNLĐ như: miễn, giảm, giãn tiền thuê nhà trọ; trông trẻ miễn phí, giảm phí... Đây là những nghĩa cử hết sức nhân văn, cao đẹp, góp phần giúp CNLĐ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống trong điều kiện việc làm, thu nhập bị suy giảm; chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta; với tinh thần và quyết tâm "chống dịch như chống giặc"; đồng hành với toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong phòng chống dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nhân, chủ nhà trọ có điều kiện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ CNLĐ thông qua các hình thức như: miễn, giảm, giãn tiền thuê nhà, trông trẻ; giãn nộp chi phí điện, nước; bán hàng giảm giá, mua hàng trả góp... Những hành động ý nghĩa đó sẽ là động lực quan trọng để giúp NLĐ vượt qua khó khăn, cùng với DN và cả nước sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm việc làm của NLĐ, phát triển kinh tế đất nước sau dịch bệnh Covid-19.
K.An
Bình luận (0)