Thực trạng DN nước ngoài làm ăn thua lỗ sau đó cao chạy xa bay để lại khoản nợ đọng BHXH hàng tỉ đồng không phải là mới, thậm chí đã được cảnh báo từ gần chục năm trước. Không khó nhận diện các DN này, rõ nhất là dấu hiệu làm ăn manh mún; nhà xưởng, máy móc chủ yếu thuê mướn; quản lý và thực hiện lao động hết sức lỏng lẻo. Quan hệ lao động tại các DN nói trên thường xuyên rơi vào bất ổn khi chủ sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động (NLĐ); đặc biệt là BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Cá biệt, nhiều DN còn chiếm dụng khoản tiền lương đóng BHXH của NLĐ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền thụ hưởng của NLĐ.
Hằng tháng phải trích một khoản tiền công để đóng BHXH nhưng không được thụ hưởng những quyền lợi cơ bản nhất như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, dĩ nhiên NLĐ sẽ bức xúc và lên tiếng đòi quyền lợi. Thế nhưng, nhiều chủ DN vẫn bất chấp pháp luật, liên tục để tái hiện tình trạng chây ì trích nộp BHXH khiến quan hệ lao động thêm căng thẳng.
Trước khi tranh chấp xảy ra, tổ chức Công đoàn (CĐ) đã chủ động khuyến cáo DN khắc phục sai phạm, đồng thời thông báo tình hình đến cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, chế tài nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Thế nhưng, việc phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng vẫn bộc lộ sự lúng túng dẫn đến hiệu quả chưa cao khiến NLĐ mất quyền lợi.
“BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện, khi phát hiện ra DN không đóng BHXH, đến nơi thì chủ DN đã bỏ trốn về nước. Trong khi đó, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không báo, cơ quan quản lý lao động không thông tin việc DN bỏ trốn. Đến khi kê biên tài sản thì phần lớn đã bị cầm cố ở ngân hàng. Theo luật, giao kết hợp đồng và chấm dứt hợp đồng là trách nhiệm của người sử dụng lao động nên việc chủ DN một đi không trở lại khiến cơ quan BHXH không tổ chức thu hồi được nợ và giải quyết chế độ cho NLĐ” - ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam, cho biết.
Rõ ràng, công tác phối hợp quản lý, giám sát DN của các cơ quan chức năng, đặc biệt là khâu thực hiện chính sách với NLĐ, vẫn còn nhiều lỗ hổng và điều này đã gây thiệt hại lâu dài cho NLĐ. “Giám sát vẫn là khâu yếu nhất dẫn đến tình trạng trên và đây cũng không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức CĐ. Nếu tổ chức CĐ sớm phát hiện và cảnh báo, cơ quan chức năng phải chủ động phối hợp để tìm biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để nhằm buộc DN phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm với NLĐ. Còn nếu thiếu sự liên kết, chắc chắn tình trạng trên sẽ kéo dài và NLĐ phải tiếp tục gánh chịu hậu quả” - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bình luận (0)