Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh này về tình hình người lao động (NLĐ) nước ngoài không thuộc diện cấp phép trên địa bàn tỉnh đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, bất cập.
Góp 1 triệu đồng không cần cấp phép
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, chỉ tính 4 tháng đầu năm 2017, tỉnh này đón khoảng 640.000 du khách quốc tế, tăng gần 180% so với cùng kỳ. Trong đó, khách Trung Quốc (TQ) đạt 370.000 lượt (gần 60%), khách Nga gần 170.000 lượt. Cùng với việc gia tăng mạnh mẽ lượng khách du lịch quốc tế kéo theo là một đội ngũ lao động nước ngoài hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một người nước ngoài phát tờ rơi trên đường Nguyễn Thiện Thuật
Ghi nhận thực tế, chiều 19-6, trên đường Nguyễn Thiện Thuật, một người nước ngoài cầm xấp tờ rơi đứng trước công ty du lịch mời chào du khách. Tại một số nhà hàng, cửa hàng chuyên phục vụ khách TQ ở đường Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Nguyễn Tất Thành, khi chúng tôi vào xem liền bị bảo vệ chặn lại, lễ tân phải hỏi ý kiến người quản lý bằng tiếng TQ chúng tôi mới vào được bên trong. Mới đây, anh Nguyễn Văn G. (ngụ phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) cho biết đã phối hợp với Công an Xuất nhập cảnh trục xuất một lao động người Nga hết hạn visa hơn 6 tháng đang lao động "chui" tại một cửa hàng ở đường Nguyễn Thiện Thuật (TP Nha Trang) về nước. Người Nga này thường xuyên gây rối, đánh nhau ở phòng trọ mà anh G. quản lý.
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) không quy định mức góp vốn nên nhiều người nước ngoài đã tham gia góp vốn vào DN chỉ từ 1 triệu đồng trở lên là nghiễm nhiên họ không thuộc diện cấp giấy phép lao động. "Góp bao nhiêu cũng là góp. Có góp 1 đồng cũng được làm việc. Mới đây, qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện tại Công ty TNHH Shree Yashoda Investments (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) có 3 người nước ngoài đang làm việc. Cả 3 người này đều là thành viên góp vốn của công ty với mức góp chỉ… 3 triệu đồng/người" - ông Trí cho hay.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, năm 2015 cả tỉnh chỉ có 26 lao động người nước ngoài có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, đến năm 2016 tăng lên 166 người và từ đầu năm 2017 đến nay đã có 114 người. Những lao động này đông nhất là người Nga với 84 trường hợp, thứ 2 là TQ, rồi đến Ukraine, Ấn Độ… Nhiều "thành viên góp vốn" thậm chí làm việc cho công ty khác không phải do làm cho chính công ty mình tham gia góp vốn.
Lách luật
Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH phân tích lao động người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải được cơ quan chức năng cấp 1 trong 3 loại giấy phép: cấp mới, cấp lại và không thuộc diện cấp giấy phép lao động (phải là thành viên góp vốn của DN). Cấp mới và cấp lại thì thủ tục phải theo đúng trình tự thẩm định và tốn chi phí khoảng 30 triệu đồng cho một giấy phép. Còn đối với loại không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì thủ tục khá đơn giản, chỉ cần có hộ chiếu và giấy chứng nhận là thành viên tham gia góp vốn.
Theo luật quy định, để được cấp phép lao động thì người nước ngoài tham gia làm việc tại Việt Nam phải có trình độ từ cao đẳng trở lên và làm những công việc mà người Việt Nam không thể đảm nhận được. Trong khi đó, những lao động nước ngoài làm việc tại Nha Trang hiện nay chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực: nhà hàng, khách sạn, lữ hành, du lịch, cửa hàng buôn bán sản phẩm… Công việc mà họ đang làm thì người địa phương đều có thể đảm nhận nên đã lách luật bằng việc góp vốn. Điều này dẫn đến lao động trong nước bị mất đi cơ hội việc làm. "Một khó khăn nữa là việc xác định lao động nước ngoài có còn là thành viên góp vốn của công ty hay đã thay đổi, công ty giải thể… Sở rất khó nắm được. Các DN đang lách luật để sử dụng lao động nước ngoài" - lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH cho biết.
Ông Trần Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận có nhiều người nước ngoài tham gia góp cổ phần vào các DN trong nước để hoạt động. "Luật hiện tại không quy định các điều khoản ràng buộc nên việc đăng ký thành viên khá dễ dàng khiến tình trạng lao động nước ngoài đang rất phức tạp. Chúng tôi không thể không cấp giấy phép vì họ hoạt động đúng luật" - ông Hải nói.
Siết chặt quản lý
UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt những nội dung: thẩm định chặt chẽ hồ sơ của các DN có người nước ngoài tham gia góp vốn; tăng cường công tác hậu kiểm giữa các cơ quan liên ngành sau khi cấp giấy chứng nhận DN có người lao động nước ngoài tham gia góp vốn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý người lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh; thường xuyên thanh tra, kiểm tra DN đang sử dụng lao động người nước ngoài…
Bình luận (0)