Sau khi gặp gỡ một người bạn (có tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 số 61) ở tỉnh Ninh Thuận, chị L.H.N, biên kịch của Công ty TNHH C.S.T.Đ (quận 3, TP HCM), xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở. Ngày 18-3, khi đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm phế quản, rốn phổi đậm bất thường và khuyên nên tự cách ly tại nhà. Chị N. trình bày sự việc với bà N.T.M.L, trưởng phòng nhân sự công ty và được bà này yêu cầu nghỉ ở nhà. Bà L. cũng khẳng định trong thời gian cách ly và làm viêc tại nhà, chị N. vẫn được công ty chấm công, trả lương đầy đủ. Thế nhưng, cuối tháng 3-2020, bà L. gọi điện thông báo công ty cho chị N. nghỉ việc mà không hề báo trước.
Gây khó dễ người lao động
Chị N. cho biết dù thông báo cho nghỉ việc nhưng bà L. lại yêu cầu chị tự viết đơn xin thôi việc. Do chị N. không đồng ý nên đến nay vẫn chưa nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Lấy lý do chị N. không bàn giao công việc, mật khẩu máy tính và đang giữ sản phẩm của doanh nghiệp (DN), công ty cũng từ chối trả lương. "Suốt thời gian làm việc, tôi không hề giữ bất cứ tài sản, sản phẩm nào và công ty cũng không chứng minh được. Dù vậy, công ty vẫn gây khó dễ cho tôi" - chị N. bức xúc.
Về lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị N., bà L. giải thích HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm của chị đã hết hạn từ ngày 30-9-2019 và đến nay công ty chưa tái ký cũng như chưa có thỏa thuận nào khác. Do đó, việc chị N. cho rằng công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật là không có cơ sở. Về tiền lương, công ty đang kiểm tra việc chị N. có được giao việc làm tại nhà không cũng như số ngày công thực tế. Riêng quyết định thôi việc, công ty chỉ trao khi chị N. bàn giao công việc, có e-mail xác nhận ngừng việc hoặc đơn xin thôi việc từ chị N.
Người lao động (bên phải) đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
Điều đáng nói là sau khi chị N. khởi kiện ra tòa, công ty đã quy toàn bộ lỗi cho người lao động (NLĐ). Theo đó, công ty chưa hề ban hành quyết định hay thông báo chấm dứt HĐLĐ cũng như cho phép chị N. làm việc tại nhà. Bà L. cũng không có thẩm quyền cho phép chị N. làm việc tại nhà và ra quyết định cho chị N. nghỉ việc. Công ty cho rằng việc chị N. (không thuộc diện cách ly bắt buộc) chưa nộp đơn mà đã tự ý nghỉ việc là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, do vậy không có cơ sở yêu cầu công ty bồi thường.
Một người mắc lỗi, cả nhóm mất việc
Bốn nhân viên (NV) của Công ty TNHH T.C.E (quận Tân Bình, TP HCM) đột ngột bị cho thôi việc trong những ngày cả nước cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Hoàng Duy, cửa hàng phó, trình bày ngày 2-12-2019 anh được công ty ký HĐLĐ thời vụ thời hạn 2 tháng. Sau khi hợp đồng hết hạn, công ty không ký tiếp và anh vẫn làm việc bình thường. Ngày 29-3-2020, một NV của Công ty TNHH L.A (một công ty khác của Công ty TNHH T.C.E) gọi điện đến cửa hàng nhờ một NV bán hàng trong nhóm của anh nhận giúp bưu kiện.
Do người này không nói rõ phải chuyển bưu kiện cho ai nên đến ngày 3-4, khi bà N.T.L.A, Giám đốc Công ty TNHH T.C.E gặng hỏi, thì người nhận mới giao. Lấy lý do là nhận bưu kiện mà không bàn giao khiến công ty chậm trễ trong việc ký kết hợp đồng, một ngày sau đó, bà N.T.L.A mở cuộc họp và thông báo đuổi việc toàn bộ 4 NV của cửa hàng. "Chúng tôi bị đuổi khỏi công ty mà không biết mình có sai phạm gì, cũng không được thanh toán lương tháng 3 và một số ngày công tháng 4-2020. Khi chúng tôi thắc mắc thì giám đốc còn thách thức cứ kiện ra tòa" - anh Duy ấm ức nói.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, bà N.T.L.A, giám đốc công ty, khẳng định không hề cho các NV trên thôi việc. Theo bà A., thời điểm đó, thực hiện chỉ thị cách ly của Chính phủ, công ty yêu cầu tất cả NV bàn giao công việc và tạm thời nghỉ việc. Tuy nhiên, số NV trên đã không bàn giao và có những hành động quá khích khiến bà phải mời cơ quan chức năng can thiệp. "Do NLĐ không bàn giao công việc nên công ty không có cơ sở để tính công, trả lương cho họ" - bà A. cho biết.
Cách giải thích của bà N.T.L.A. bị NLĐ phủ nhận. "Sau khi đuổi chúng tôi ra ngoài, giám đốc công ty chỉ cho cửa hàng trưởng vào bàn giao công việc. Trong khi đó, mỗi NV có một mã máy tính ghi nhận thông tin bán hàng và chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng mất tiền hay hàng hóa. Khi chúng tôi yêu cầu có mặt để bàn giao, giám đốc công ty không đồng ý. Như vậy, lỗi hoàn toàn thuộc về DN" - anh Duy nói.
Tuân thủ pháp luật
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, quyền và trình tự, thủ tục chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động đối với NLĐ đã quy định rất rõ trong Bộ Luật Lao động. Ngoài tuân thủ quy định thì người sử dụng lao động và NLĐ cũng cần rõ ràng, sòng phẳng với nhau về trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên cũng như có thiện chí, tạo điều kiện để các bên thực hiện trách nhiệm của mình khi chấm dứt HĐLĐ. Làm tốt việc này sẽ hạn chế tranh chấp lao động không đáng có. NLĐ cũng nên trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và tránh việc bị DN "lật kèo" gây thiệt thòi quyền lợi.
Bình luận (0)