Theo quy định, việc thương lượng và xây dựng thỏa ước lao động tập thể là một thỏa thuận có tính chất tập thể. Do đó, sau khi đại diện hai bên thương lượng xong các nội dung chính còn phải lấy ý kiến tập thể người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, việc khảo sát và lấy ý kiến NLĐ nếu không được thực hiện một cách nghiêm túc, có thể gây sai lệch ý chí và mong muốn của tập thể. Sự việc tại Công ty M.B.V (chuyên sản xuất, lắp ráp ô tô đóng trên quận Gò Vấp, TP HCM) là một minh chứng.
Thương lượng thụt lùi
Sau khi thỏa ước cũ hết hạn, công ty và NLĐ tiến hành thỏa thuận thỏa ước mới. Tuy nhiên, sau khi thống nhất các nội dung quan trọng, việc tiến hành lấy ý kiến NLĐ lại diễn ra khá khó hiểu. Tập thể lao động phản ánh trước đây thỏa ước cũ quy định NLĐ chỉ làm việc 40 giờ mỗi tuần thì nay công ty đề xuất 48 giờ. Khi cần thiết, công ty có thể yêu cầu NLĐ làm việc thêm ngày thứ bảy và được trả thêm 100% lương nhưng vẫn tính là ngày làm việc bình thường.
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thương lượng, ký kết thỏa ước: “Không nên xem nhẹ ý kiến của tập thể lao động” Ảnh: HƯƠNG HUYỀN
Bên cạnh đó, qua các lần thương lượng, công ty đề nghị 2 lịch làm việc trong ngày cho khối sản xuất là làm 3 ca liên tục, nghỉ giữa giờ theo luật định và lịch làm việc 2 ca với 8 giờ làm việc và nghỉ giữa giờ không hưởng lương. Theo một công nhân (CN), trước đây giữa CN và công ty đã từng có tranh chấp về quy định này khi công ty đề nghị làm thêm 45 phút trước hoặc sau ca làm việc để bù vào khoảng nghỉ giữa ca. Tuy nhiên, sau khi xem xét, cơ quan chức năng đã đề nghị công ty không thay đổi thời gian làm việc.
Bảng khảo sát đánh đố người lao động của Công ty M.B.V Ảnh: BẠCH ĐẰNG
"Khi thỏa ước cũ hết hạn, công ty lại đưa nội dung này vào thương lượng thỏa ước mới. Lý ra, việc thương lượng thỏa ước phải hướng đến việc làm lợi hơn cho NLĐ so với luật hay với thỏa ước cũ thì ở đây lại đàm phán nội dung bất lợi hơn cho NLĐ. Bên cạnh đó, theo quy định, trước khi thương lượng phải lấy ý kiến của NLĐ, thì ở đây cũng không thấy" - một CN cho biết.
Khảo sát đánh đố
Bỏ qua ý kiến của tập thể lao động trước khi thương lượng thỏa ước đã là sai so với quy định; đằng này sau khi thương lượng, lẽ ra phải lấy ý kiến NLĐ về kết quả thương lượng (nếu có trên 50% số NLĐ tán thành nội dung thương lượng thì hai bên mới được ký kết) thì công ty cũng "lơ" luôn thủ tục này.
Theo tập thể lao động, sau khi chốt thương lượng, Công đoàn công ty mới đưa ra bảng hỏi lấy ý kiến "đồng ý - không đồng ý" về các nội dung thương lượng. Trong đó, nội dung quan trọng, bất đồng nhiều nhất là giờ giấc làm việc được công ty đưa vào các câu hỏi rất mơ hồ. Điển hình như câu khảo sát "Với lịch làm việc làm theo ca mới, những nhân viên khối sản xuất… sẽ được tăng thêm lương" nhưng không ghi mức tăng cụ thể là bao nhiêu? Hoặc một câu hỏi khác có ghi khái niệm là "thời gian làm việc ròng là 40 giờ" nhưng cũng không giải thích "ròng" nghĩa là gì. Hơn thế, nội dung làm việc ngày thứ bảy (48 giờ/tuần) chỉ mới đạt được thống nhất qua thương lượng giữa đại diện các bên, chưa hỏi NLĐ nhưng bảng khảo sát đã mặc nhiên chú thích rõ "ngày thứ bảy được khối sản xuất thông báo là ngày làm việc bình thường" như một sự đã rồi.
Đáng chú ý, trong nội dung thay đổi lịch làm việc, công ty đưa ra câu hỏi có nội dung "Đổi mới lịch làm việc theo ca cho khối sản xuất với giờ nghỉ theo quy định của luật lao động hiện hành. Lịch làm việc này bao gồm thời gian nghỉ giữa giờ (nghỉ giữa giờ có tính lương/không tính lương) theo luật lao động quy định".
Một công nhân cho biết: "Câu hỏi đánh đố như vầy thì có trời mà hiểu để trả lời đồng ý hay không đồng ý. Vậy nên có người đánh bừa, có người bỏ trống, khi cộng kết quả thì thấy so le. Chưa kể các thay đổi về giờ giấc làm việc chỉ liên quan đến khối sản xuất mà công ty lại phát cho các khối khác không có liên quan để lấy ý kiến thì chắc chắn sẽ làm sai lệch tỉ lệ NLĐ tán thành".
Phải rất chặt chẽ
Ông Lưu Thanh Hưng (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ), người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế bảng khảo sát, cho rằng việc thiết kế câu hỏi và phương pháp thống kê rất quan trọng khi khảo sát lấy ý kiến. Điều này có tác động đến kết quả chung cuộc của khảo sát.
"Với các loại bảng hỏi "đồng ý" hay "không đồng ý" thì câu hỏi phải chẻ ra càng chi tiết càng tốt. Câu hỏi phải bảo đảm được tính đơn ý khi chỉ có một khái niệm duy nhất trong câu hỏi và tính 1 chiều để không khiến người trả lời có thể hiểu theo nhiều cách. Còn phương pháp thống kê cũng phải rất lưu ý đến lượng phiếu không trả lời, bỏ trống. Có rất nhiều khả năng của phiếu trống như: người trả lời không hiểu câu hỏi, không biết về sự việc, hoặc bảng hỏi không có phương án trả lời phù hợp, câu hỏi nhạy cảm, có thể gây đụng chạm, cũng có thể là lỗi của người nhập liệu, lỗi của phỏng vấn viên, cách thu thập ý kiến… Những phiếu trống này có thể tác động lớn đến kết quả thu được" - ông Hưng phân tích.
Bình luận (0)