Thất nghiệp hơn 2 tháng qua nhưng anh L.Đ.H (quận 8, TP HCM) vẫn khá e dè trong việc tìm việc làm mới. H. cho biết đã nộp hồ sơ ở vài công ty ở vị trí công nhân cơ khí, có nơi đã gọi đi làm nhưng anh chưa dám nhận lời, bởi không biết đây có phải là đối thủ cạnh tranh của công ty cũ hay không.
Gây bất lợi cho người lao động
Trước đó, khi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với một công ty chuyên sản xuất nội thất và nâng cấp nội thất ô tô, anh H. được yêu cầu ký thêm thỏa thuận bảo mật thông tin. Trong thỏa thuận có nội dung trong vòng 2 năm kể từ khi nghỉ việc tại công ty, người lao động (NLĐ) không được làm việc cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong cùng lĩnh vực ngành nghề. Nếu NLĐ vi phạm sẽ phải chịu mọi chi phí cho việc kiện tụng và bồi thường cho công ty 20 tháng lương.
Vì tất cả NLĐ ở công ty đều phải ký thỏa thuận này và muốn giữ việc làm nên anh H. đã đồng ý. Sau khi nghỉ việc, anh H. mới biết ngoài sản xuất nội thất, nâng cấp nội thất ô tô, công ty còn đăng ký kinh doanh hơn 20 lĩnh vực ngành nghề khác nên khả năng vi phạm thỏa thuận là rất cao.
Người lao động được hỗ trợ pháp lý tại Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM
Lo lắng của anh H. không phải là không có cơ sở, bởi trong thực tế đã có một số trường hợp DN kiện NLĐ ra tòa vì đã vi phạm thỏa thuận. Đơn cử như vụ án tranh chấp chấm dứt HĐLĐ với đối thủ cạnh tranh giữa Công ty TNHH U.R và ông P.T.B.
Theo đó, trong 6 năm làm việc tại DN, ông B. đảm trách nhiều vị trí làm việc khác nhau. Ông cùng công ty ký thỏa thuận bảo mật thông tin - quyền sở hữu trí tuệ, trong đó cam kết sau khi nghỉ việc, ông B. không được làm việc, hỗ trợ, hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với đối thủ cạnh tranh của công ty. Thế nhưng, sau 2 tháng nghỉ việc, công ty phát hiện ông B. làm việc cho một DN cùng lĩnh vực hoạt động, cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nên đã gửi văn bản yêu cầu ông chấm dứt làm việc cho đối thủ này. Do ông B. không đồng ý nên công ty khởi kiện, yêu cầu tòa buộc ông không được tiếp tục làm việc ở DN mới.
Tại phiên xử phúc thẩm do TAND TP HCM tổ chức mới đây, căn cứ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Hội đồng xét xử nhận định 2 công ty không hoạt động cùng lĩnh vực kinh doanh nên không phải là đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, Bộ Luật Lao động có quy định NLĐ có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động (NSDLĐ) nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Từ đó, tòa đã bác yêu cầu của công ty.
Hài hòa lợi ích
Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có quy định: Khi NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận với NLĐ về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong HĐLĐ hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung thỏa thuận có thể gồm: Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ, NSDLĐ trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ…
Theo TS Nguyễn Thị Bích, Trưởng Bộ môn Luật Lao động - ĐH Luật TP HCM, dù pháp luật đã có những quy định về vấn đề ký thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, nhưng thực tế vẫn có tình trạng DN cố tình lách luật để cài những điều khoản gây bất lợi cho NLĐ, chẳng hạn như "không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi nghỉ việc".
Liên quan đến điều khoản này, hiện nay vẫn đang có 2 luồng quan điểm. Một bên thì tôn trọng sự thỏa thuận các bên. Một bên thì cho rằng thỏa thuận này là vi hiến, vi phạm Bộ Luật Lao động… vì hạn chế quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn việc làm của NLĐ. "Cá nhân tôi không đồng tình với nội dung thỏa thuận này vì không phù hợp quy định pháp luật. Để có thỏa thuận phù hợp, DN cần phải xác định rõ thông tin gì là thông tin bảo mật, đối tượng nào là đối thủ cạnh tranh… để NLĐ tuân thủ" - bà Bích bày tỏ.
Luật sư Lý Khánh Hòa, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Trọng Lý, cho rằng bản chất của thỏa thuận bảo mật thông tin là nhằm bảo đảm quyền lợi cho NSDLĐ. Pháp luật hiện hành cũng không cấm việc đưa vào thỏa thuận nội dung NLĐ không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, việc cấm NLĐ làm việc cho các DN cùng lĩnh vực trong một thời gian nhất định sẽ khiến họ gặp khó khăn khi không có việc làm, thu nhập.
Khi có nhu cầu bảo vệ bí mật công nghệ, bí mật thông tin, DN nên xem xét đến quyền lợi của cả 2 bên để đưa ra thỏa thuận phù hợp. Chẳng hạn, DN có thể trả một khoản tiền cho NLĐ trong thời gian họ không được làm việc nhằm ổn định cuộc sống" - luật sư Lý Khánh Hòa góp ý.
Bình luận (0)