xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thương lượng để ngăn ngừa tranh chấp

MAI CHI

Thương lượng là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế tranh chấp không đáng có khi doanh nghiệp cắt giảm lao động

Thời gian qua, do tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài, nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải cắt giảm số lượng lớn lao động. Bên cạnh những DN thực hiện suôn sẻ, thì cũng có một số nơi quan hệ lao động trở nên bất ổn, thậm chí phải dừng phương án cắt giảm lao động, do gặp phải phản ứng quyết liệt từ người lao động (NLĐ), đơn cử như vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Nobland Việt Nam (quận 12) vừa qua. Thực tế ấy khiến không ít DN lúng túng khi thực hiện cắt giảm lao động trong lúc gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.

Hài hòa lợi ích

Tại Hội nghị đối thoại "Vận dụng pháp luật lao động trong duy trì và ổn định quan hệ lao động tại DN" do Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, vấn đề DN có được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ khi giảm đơn hàng hay không đã được ban tổ chức đặt ra với các chuyên gia lao động và luật sư tham dự.

Thương lượng để ngăn ngừa tranh chấp - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) được doanh nghiệp hỗ trợ giới thiệu việc làm sau khi mất việc do thiếu đơn hàng.Ảnh: HUỲNH NHƯ

Theo luật sư Trương Hồng Kỳ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Việt Hà (tỉnh Đồng Nai), dù pháp luật lao động hiện hành có quy định về trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) cho NLĐ thôi việc vì lý do kinh tế, nhưng lại không thể áp dụng trong thực tiễn đối với trường hợp DN gặp khó khăn về đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động.

Lý do là theo quy định tại điều 42 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, những trường hợp được coi là "vì lý do kinh tế" gồm: Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế. Trong khi đó, hiện nay nhà nước chưa có quy định cụ thể về tiêu chí thế nào là khủng hoảng kinh tế, suy thoái kinh tế, NSDLĐ khó có thể chứng minh lý do này nên không thể áp dụng để cho NLĐ nghỉ việc.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Trọng Thêm, điều hành Công ty Luật LTT & Lawyers (quận 1, TP HCM), cho biết thêm ở các quy định về trường hợp chấm dứt HĐLĐ, quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ trong BLLĐ cũng không có trường hợp DN bị giảm đơn hàng. Do vậy, trong tình huống buộc phải cắt giảm lao động, DN có thể vận dụng trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động theo khoản 1 điều 42 BLLĐ.

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này, NSDLĐ phải thực hiện nhiều quy trình kèm theo nên vẫn có khả năng xảy ra rủi ro. Do vậy, DN cần phải thực hiện thận trọng, bài bản, vận dụng quy trình pháp luật lẫn quản trị nhân sự của mình để hài hòa lợi ích các bên.

Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai), cho hay thời gian qua, trung tâm hỗ trợ khá nhiều trường hợp NLĐ khởi kiện DN ra tòa liên quan đến việc bị chấm dứt HĐLĐ do DN thiếu đơn hàng. Theo ông Hà, bên cạnh những DN gặp khó khăn thật sự vì thiếu đơn hàng, cũng có một số DN lợi dụng tình hình để cắt giảm lao động với mục đích khác.

Đồng thời, khi cắt giảm lao động, một số DN còn nóng vội, dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện. "Quy trình cho NLĐ thôi việc phải đúng về nội dung và hình thức. Do vậy, để tránh tổn thất, DN phải bảo đảm thực hiện đúng" - ông Hà lưu ý.

Cần sự cảm thông từ doanh nghiệp

Mặc dù có thể vận dụng trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động theo quy định của BLLĐ để cắt giảm lao động khi bị giảm đơn hàng, song từ thực tiễn trong công tác tư vấn, hỗ trợ DN, các chuyên gia lao động và luật sư đều có chung nhận định giải pháp tối ưu, an toàn, đơn giản nhất để DN chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp này đó chính là thương lượng. Khi thương lượng, 2 bên có dịp thể hiện ý chí, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của mình và một khi đạt được sự đồng thuận thì sẽ triệt tiêu các rủi ro phát sinh.

Theo luật sư Lê Trọng Thêm, để thương lượng hiệu quả, DN phải biết nghĩ cho NLĐ. DN phải hiểu được khó khăn của NLĐ khi bị mất việc làm, từ đó gợi ý các giải pháp hỗ trợ họ. Chẳng hạn, giúp NLĐ chuẩn bị hồ sơ xin việc; liên hệ các đối tác, DN cùng ngành nghề giới thiệu việc làm.

"Trong quan hệ lao động, DN nên chân thành, cởi mở với NLĐ; cần đối thoại thay vì đối đầu, cần hợp tác thay vì đẩy NLĐ đi xa. Dùng "tiểu xảo" lách luật để đẩy NLĐ ra đường rất dễ gây tranh chấp" - ông Thêm nhìn nhận. Theo các chuyên gia lao động, cắt giảm lao động chỉ nên là phương án cuối cùng khi DN gặp khó khăn về đơn hàng.

Mục tiêu cuối cùng là giảm chi phí, nên thay vì cắt giảm, DN có thể thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ với NLĐ trong thời gian thiếu đơn hàng. Trong thời gian này, NLĐ có thể tìm việc làm khác để giải quyết khó khăn trước mắt và có thể quay về khi đơn hàng DN phục hồi. Đây là giải pháp tốt cho cả DN và NLĐ, nhất là đối với những NLĐ gắn bó lâu năm với DN, khó tìm công việc mới. Ngoài ra, DN có thể thỏa thuận NLĐ chia sẻ khó khăn với DN bằng cách giảm giờ làm, giảm thu nhập, nghỉ luân phiên…

Luật sư Trương Hồng Kỳ cho rằng nếu thật sự gặp khó khăn do mất đơn hàng thì DN có thể thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Giải pháp này nếu phát huy hiệu quả sẽ giúp DN vượt qua khó khăn; nếu không đạt kếu quả mong muốn dẫn đến phải cắt giảm lao động thì đây cũng là cơ sở pháp lý để DN thực hiện.

"Để hạn chế rủi ro khi cắt giảm lao động, DN nên rà soát chấm dứt HĐLĐ với một số trường hợp được pháp luật cho phép như: NLĐ không hoàn thành công việc theo HĐLĐ đã giao kết; không tái ký HĐLĐ với NLĐ hết hạn hợp đồng; sa thải các trường hợp vi phạm kỷ luật lao động" - ông Kỳ khuyến nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo