Gần 30.000 đơn vị, doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn với số tiền BHXH còn nợ đọng trên 3.215 tỉ đồng, ảnh hưởng quyền lợi của hơn 206.000 người lao động. Vấn đề quản lý thu, nộp BHXH dù được cải cách nhiều khi sổ BHXH được chuyển giao người lao động giữ và theo dõi được quá trình đóng của mình nhưng chế tài xử phạt đối với hành vi nợ, chậm, trốn đóng chưa đủ mạnh nên khó xử lý. Công đoàn được pháp luật trao quyền khởi kiện DN nợ BHXH nhưng đến nay việc triển khai gặp khó khăn. Hiện có gần 400 hồ sơ các DN nợ BHXH được Công đoàn gửi sang cơ quan chức năng đề nghị khởi tố. Tuy nhiên, chỉ mới 12 vụ được tiếp nhận, trong đó 2 vụ đình chỉ, 10 vụ đang giai đoạn điều tra chưa khởi tố được.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận Tân Bình, TP HCM viết đơn khởi kiện đòi nợ BHXH. Ảnh: MAI CHI
Tại hội nghị đối thoại, tham vấn ý kiến của công nhân và cán bộ Công đoàn về chính sách, pháp luật an sinh xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa mới đây, góp ý về quy định khởi kiện nợ BHXH của tổ chức Công đoàn, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành đề xuất nên trao quyền khởi kiện cho Công đoàn cấp trên bởi năng lực Công đoàn cơ sở còn hạn chế. Công đoàn cơ sở cần tăng cường giám sát việc trích nộp BHXH để sớm có giải pháp ngăn ngừa nguy cơ nợ đọng BHXH.
Bình luận (0)