Bộ LĐ-TB-XH vừa phản hồi ý kiến cử tri các địa phương về sự chênh lệch giữa mức lương hưu của LĐN có cùng thời gian đóng BHXH (có dưới 30 năm đóng BHXH) nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1-1-2018.
Theo ý kiến của cử tri, từ 1-1-2018, lao động nam có đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa (75%) thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay, gây thiệt thòi cho NLĐ. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, sớm sửa đổi Luật BHXH.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, Luật BHXH năm 2014 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng cũng đã bước sang giai đoạn già hoá dân số với tốc độ được đánh giá là nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, tỉ lệ gia tăng số người hưởng lương hưu cao hơn tỉ lệ tăng trưởng số người tham gia BHXH; tuổi thọ bình quân của dân số gia tăng nhanh chóng, dẫn đến thời gian hưởng lương hưu bình quân kéo dài hơn so với trước đây.
Ngoài ra, chính sách BHXH vốn được thiết kế cho đối tượng ban đầu là CNVC Nhà nước và do ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm, nay đã mở rộng ra các đối tượng lao động khác, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp. Tỉ lệ giữa mức lương hưu được hưởng và mức tiền lương bình quân đóng BHXH của NLĐ được đánh giá cao hơn rất nhiều so với các nước có mức đóng tương tự, khiến quỹ BHXH có thể mất cân đối trong tương lai gần.
Vì vậy, theo Bộ LĐ-TB-XH, một trong những mục tiêu đặt ra khi sửa đổi Luật BHXH năm 2006, là cần có những điều chỉnh về chính sách để bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn, theo hướng tăng mức đóng hoặc giảm mức hưởng. Việc tăng tỉ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được điều chỉnh trong giai đoạn 2010-2014 (theo Luật BHXH năm 2006) được đánh giá đã tới "ngưỡng" để các DN có thể thực hiện, khó có thể tăng thêm. Do vậy, để bảo đảm khả năng cân đối quỹ BHXH, cần xem xét điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu cho phù hợp với nguyên tắc đóng- hưởng.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa từ 75% xuống khoảng 50-55% (mức bình quân trên thế giới) như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, rất khó thực hiện được. Vì vậy, Luật BHXH năm 2014 được Quốc hội thông qua theo hướng vẫn duy trì tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%; song cần kéo dài thời gian đóng góp để đạt được tỉ lệ này thêm 5 năm đối với cả nam và nữ.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 và Khoản 2, Điều 74 của Luật BHXH năm 2014, thì từ năm 2018, số năm đóng BHXH để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu 75% của lao động nam là 31 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2018; 32 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2019; 33 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2020; 34 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2021; 35 năm đối với người nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Riêng đối với LĐN, từ năm 2018 trở đi, thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 30 năm. Tuy nhiên, hạn chế trong quy định của Luật BHXH năm 2014 là đối với nam thì việc điều chỉnh được thực hiện theo lộ trình, nhưng đối với nữ thì không- nên tạo sự chênh lệch lớn giữa mức lương hưu của LĐN có cùng thời gian đóng BHXH (có dưới 30 năm đóng BHXH) nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1/1/2018.
Bộ LĐ-TB-XH đã chủ động tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định này, đề xuất phương án để báo cáo Chính phủ. Ngày 21/11/2017, Chính phủ đã có báo cáo số 548/BC-CP báo cáo Quốc hội về xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1-1-2018 theo quy định của Luật BHXH năm 2014.
Bình luận (0)