Xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm ven biển và phá Tam Giang, cuộc sống người dân ở đây vốn trông chờ vào đánh bắt thủy hải sản ven bờ và đầm phá, số ít làm nông nghiệp. Từ nhiều năm qua, người dân địa phương thường vào các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên mưu sinh bằng những nghề như bán vé số, lao động tự do hoặc làm công nhân...
Áp lực từ 25.000 người trở về
Từ giữa năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Bình Dương và TP HCM, khoảng 2.500 người dân xã Phú Diên quyết định trở về quê nhà. Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, toàn quốc áp dụng Nghị quyết 128 "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", một số người quyết định tiếp tục vào Nam. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Vy, Chủ tịch UBND xã Phú Diên, con số này là không nhiều, chỉ khoảng 60-70 người. "Chúng tôi đang thống kê, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những lao động trở về quê hương nhằm đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn tạo công ăn việc làm" - ông Vy nói.
Nhiều doanh nghiệp may mặc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sẵn sàng đón người lao động vào làm việc
Phường Thuận An, TP Huế cũng là địa phương ven biển, có số lượng lớn người lao động vào các tỉnh phía Nam làm thuê. Hàng ngàn người sau khi trở về tránh dịch có nguyện vọng an cư tại quê nhà. Theo lãnh đạo phường Thuận An, những tháng qua, một số người từng làm công nhân may ở TP HCM tự kết nối để mở điểm may gia công áo quần tại nhà; có người mở cửa hàng buôn bán, tự tạo việc làm.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết toàn tỉnh có trên 25.000 người lao động từ phía Nam trở về do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, 16.000 người có nhu cầu vay vốn, học nghề để ổn định việc làm tại địa phương. Áp lực giải quyết việc làm là rất lớn.
Trước tình hình trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo cơ quan, ban, ngành các cấp tích cực phối hợp giải quyết việc làm. Sở LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể lực lượng lao động trở về trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo ông Dần, các nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được triển khai nhằm sớm an cư cho người dân. "Chủ trương của tỉnh là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN) nhằm tăng chỗ làm việc. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn để tạo việc làm; phát triển thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động cũng như đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nguồn để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 16.000 người" - ông Dần cho biết.
Nhiều giải pháp thiết thực
Vừa qua, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trình UBND tỉnh chương trình "Hành động thực hiện đồng bộ công tác giải quyết việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 trong tình hình mới". Với chương trình này, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu 100% người lao động trở về địa phương được đào tạo nghề nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp, sớm có việc làm ổn định cuộc sống.
Hiện nay, khá nhiều DN đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong quý IV/2021, 25 DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động làm việc tại địa phương và 5 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số lượng 9.301 lao động. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tiếp nhận thông tin của 10 - 15 DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất - kinh doanh với gần 200 vị trí việc làm mỗi tháng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 5 và 20 hằng tháng; tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương, phiên giao dịch việc làm theo chuyên ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh...
Trung tâm này cũng đã mở cổng thông tin điện tử "Việc làm Huế" để người lao động đăng ký thông tin ứng tuyển việc làm, từ đó tổ chức tư vấn trực tiếp, trực tuyến hằng ngày ngay khi tiếp nhận được thông tin, giúp kết nối kịp thời nhu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, để tăng cơ hội việc làm cho người lao động, các cấp, ngành, địa phương chủ động trực tiếp làm việc với DN, cơ sở sử dụng lao động, qua đó xây dựng chính sách và ký kết hợp tác tuyển dụng, đào tạo gắn với sử dụng lao động.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-12
Kỳ tới: Về quê để làm giàu
Góp sức phát triển kinh tế địa phương
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định tỉnh rất quan tâm giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. "Chúng tôi đã đón lượng lớn công dân từ các địa phương về và quan tâm hỗ trợ cho họ ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp như điều tra, khảo sát nhu cầu việc làm, thống kê đầy đủ đối tượng, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ nhằm có chính sách hỗ trợ phù hợp. Chúng tôi mong muốn công dân trong độ tuổi lao động tích cực đăng ký để sớm ổn định việc làm, góp sức cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Điều này còn giúp tỉnh giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, huy động được nguồn nhân lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế" - ông Bình kêu gọi.
Bình luận (0)