Theo ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhằm tránh quy định phải đóng BHXH cho lao động có hợp đồng từ 1 - 3 tháng, một số doanh nghiệp (DN) đã áp dụng hình thức trốn đóng BHXH khi chuyển qua loại hình hợp đồng vụ việc, thuê khoán, khoán việc…
Biến tướng về hợp đồng lao động
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ và công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. "Bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ quy định của Luật BHXH, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) lách luật bằng cách chuyển đổi thành hình thức giao kết như trên. Theo rà soát, cả nước có khoảng 2 triệu NLĐ có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng. Tới tháng 5/2018, cả nước mới có trên 8.000 NLĐ có hợp đồng từ 1-3 tháng tham gia BHXH. Còn lại các DN đang lách bằng nhiều cách khác nhau", ông Mai Đức Thiện nhận định.
Ngoài việc chuyển đổi hình thức giao kết để trốn đóng BHXH, ông Mai Đức Thắng cho biết, BHXH VN đã phát hiện cả việc lách luật thông qua việc ký hợp đồng lao động với NLĐ làm việc trên 3 tháng nhưng chỉ ghi trên giấy tờ với thời hạn 2 tháng 8 ngày hoặc 2 tháng 29 ngày… Thậm chí có DN ngắt quãng hợp đồng 1-2 tháng mới ký lại để duy trì loại hình hợp đồng có thời hạn.
Điều chỉnh chính sách sát hơn
Trước thực tế trên, ông Mai Đức Thiện đề xuất việc sửa đổi và bổ sung một số nội dung về loại hình hợp đồng lao động trong Chương III về Hợp đồng lao động (Bộ Luật Lao động năm 2012) để ngăn chặn việc trốn đóng BHXH.
Đồng thời làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán…vốn chưa được đưa vào trong Luật Lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua. Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng đề nghị sớm sửa đổi quy định về loại hình hợp đồng lao động nhằm tăng cường giải pháp chống trốn đóng BHXH. Điều 16 của Luật Lao động năm 2012 quy định 2 loại hình giao kết hợp đồng lao động theo văn bản hoặc lời nói. Nhưng trên thực tế đã và đang tồn tại việc giao kết còn thông qua hình thức khoán sản phẩm…Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động có thể lách luật bằng cách khoán công việc để tránh việc giao kết hợp đồng có thời gian cụ thể.
Theo ông Mai Đức Thiện, khi xây dựng hình thành Luật Lao động năm 2012, Ban soạn thảo đã tạm xác định hợp đồng lao động không trọn thời gian là loại hình công việc tạm thời và có tính thay thế một số công việc. Nhưng tới thời điểm bàn thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, loại hình này đang được người lao động gia tăng sử dụng. "Do đó, cơ quan quản lý nhà nước nhận diện và đưa ra định nghĩa rõ loại hình công việc này: Làm việc ít hơn thời gian chính thức là như thế nào? Công việc không trọn thời gian là 4, 6 hay 7 giờ trong ngày?...Đây cũng là cách để giúp cơ quan BHXH, tiền lương xác định những quy định liên quan".
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: "Loại hình hợp đồng lao động trên thị trường đang có nhiều hình thức mới theo cơ chế thị trường linh hoạt và thoả thuận. DN có nhiều cách "lách luật" để người lao động có tuổi ra khỏi khu vực lao động của DN mình.
Do đó, chương hợp đồng lao động trong Luật Lao động sửa đổi sắp tới cần quy định rõ về các loại hình cũng như các chính sách về quan hệ lao động theo hướng đảm bảo việc làm bền vững cho cả NLĐ và đảm bảo quyền lợi của DN". Ngoài ra, về khâu tổ chức pháp luật, ông Quảng cũng đề xuất cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý thông tin kịp thời những hành vi vi phạm Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật BHXH.
Còn ông Trần Đình Liệu cho biết: Hiện các DN chưa tham gia BHXH là những DN nhỏ và DN siêu nhỏ và làm ăn theo kiểu mùa vụ và có những DN đăng kí theo tính chất hộ gia đình. Việc này ngành BHXH sẽ tiếp tục phối hợp với ngành thuế sẽ xây dựng đề án điều tra xem mức độ sử dụng lao động ra sao để có giải pháp phù hợp.
Bình luận (0)