Người phụ nữ Việt Nam không chỉ làm tốt vai trò người mẹ, người vợ mà còn có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Đó là thông điệp được gửi đến tại chương trình giao lưu "Nữ lãnh đạo thế hệ mới" do Cung Văn hóa Lao động TP HCM (trực thuộc LĐLĐ TP HCM) tổ chức vào sáng 15-10, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10).
Vượt qua nghịch cảnh
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa, chị Trịnh Lan Trinh, hiện là giám đốc 2 công ty tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, sớm bước vào đời khi gia đình phá sản.
Tài sản gia đình không còn gì ngoài mấy sào ruộng nên Trinh vừa đi học vừa đi cấy thuê để kiếm tiền nuôi cả nhà. Năm 21 tuổi, Trinh quyết định lấy chồng với mong muốn đỡ đần phần nào cho bố mẹ. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, dù đã có với nhau 2 mặt con nhưng Trinh thường xuyên bị chồng bạo hành. Không chịu đựng nổi, Trinh quyết định ôm các con về nhà bố mẹ đẻ. Do bố ruột sợ làng xóm dị nghị nên Trinh phải mang con vào Bình Dương với vỏn vẹn 100.000 đồng trong túi. Không tiền, không người thân, Trinh xin vào làm công nhân ở một xưởng kẹo để có chỗ ăn, chỗ ở lo cho con đi học.
Tiền công của Trinh lúc đó là 13.000 đồng/ngày. Những ngày làm CN, Trinh còn mò cua, bắt ốc thêm để nuôi con, dành dụm toàn bộ tiền lương chờ cơ hội làm ăn. Những năm 2000, tình hình mua bán đất ở Bình Dương sôi động, gom hết vốn liếng là 5 cây vàng dành dụm bấy lâu, Trinh theo người quen mua bán đất. Từ số tiền lãi kiếm được, Trinh thành lập Công ty TNHH Nhựa Bình Thuận Phát (chuyên xuất nhập khẩu nhựa; đóng tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) và Công ty TNHH Bảo Anh Phát (chuyên xuất khẩu chuối sang Trung Quốc; đóng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên (bìa trái), Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP HCM, tặng hoa cho các nữ chủ doanh nghiệp giao lưu tại chương trình “Nữ lãnh đạo thế hệ mới”
Xuất thân từ gian khó nên Trinh yêu thương CN hết mức. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, chị tạo điều kiện cho 130 lao động tại 2 công ty và người thân của họ ăn, ở tại chỗ. Những trường hợp nhiễm bệnh được chữa trị tại công ty thay vì phải đi cách ly. Hiện thu nhập NLĐ tại 2 công ty đạt bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Nhìn lại quá trình phấn đấu của bản thân, nữ giám đốc này bày tỏ: "Có những thời điểm khó khăn cùng cực, tôi muốn buông xuôi tất cả. Thế nhưng, nghĩ đến người thân, nhất là tương lai các con, tôi tự động viên mình phải cố gắng. Với NLĐ, tôi hiểu chỉ khi được chăm lo tốt chỗ ở, thu nhập thì họ mới an tâm làm việc. Hiện tôi vẫn hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em cho con NLĐ đi học như san sẻ gánh nặng với họ". Là mẹ đơn thân nhưng chị Trinh vẫn chu toàn nuôi dạy 2 con ngoan ngoãn, học giỏi.
Thay đổi số phận
Một tấm gương vượt khó khác là chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice (huyện Hóc Môn, TP HCM). Không chỉ vượt qua nghịch cảnh, chị Ngọc còn vươn lên làm chủ, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là người khuyết tật.
Sinh ra trong một gia đình nông dân có đến 11 người con ở Bình Thuận, tuổi thơ của cô bé Ngọc là những tháng ngày cơ cực, thiếu ăn, thiếu mặc. Cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi chân của Ngọc khiến cô bé không thể đi đứng, chạy nhảy như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, Ngọc quyết tâm học giỏi để thay đổi số phận. Tốt nghiệp THPT, Ngọc vào TP HCM học ngành Tin học kế toán ứng dụng tại Trường CĐ Kỹ nghệ II.
Tốt nghiệp, Ngọc đi làm vài nơi, từ kế toán kho đến lập trình viên, quản trị mạng, bán hàng online... Rồi chị lấy chồng, sinh con. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt thời gian đi làm, năm 2019, chị quyết định thành lập Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice chuyên cung cấp dịch vụ chữ ký số, hóa đơn điện tử, đăng ký thành lập DN, kế toán, khai báo thuế, thiết kế web… Vừa làm chủ vừa làm nhân viên nên chị tự tay làm mọi thứ. Với chiếc xe ba bánh, chị rong ruổi khắp nơi từ TP HCM đến Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để gặp gỡ, hỗ trợ khách hàng, ký hợp đồng.
"Khi biết tôi là người khuyết tật, nhiều khách hàng rất e dè, thậm chí nghi ngờ năng lực của công ty. Thế nhưng, sau khi tiếp xúc và được hỗ trợ, họ vui vẻ hợp tác ngay. Hiện nay, các DN đang có xu hướng chuyển đổi số, vì thế, hướng đi Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice rất đúng đắn" - chị Ngọc cho hay. Hiện công ty có 4 nhân viên chính thức và 5 nhân viên bán thời gian, đa số là người khuyết tật, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nhân viên làm giỏi còn được thưởng theo doanh số. Chị Ngọc hiện nay đã có một tổ ấm hạnh phúc với 2 đứa con xinh.
Ít ai biết được nhà quản lý thương hiệu áo dài Hồng Đức, chị Phạm Thị Hồng Đức (quận 4, TP HCM) từng ở nhà nuôi con. Bận rộn với thiên chức làm vợ, làm mẹ, chị Đức chọn công việc may áo dài tại nhà để mưu sinh. Năm 2007, phường thông báo Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (nay là Tổ chức Tài chính vi mô CEP) có hỗ trợ cho NLĐ nghèo vay vốn làm ăn, chị Đức mạnh dạn vay 20 triệu đồng để mua may móc, nguyên liệu và thành lập thương hiệu áo dài Hồng Đức.
Chị mạnh dạn nhận nhiều đơn hàng mới để cho các chị em trong xóm làm thêm, có thu nhập. Hiện thương hiệu của chị cung cấp cho thị trường 100 áo dài mỗi tháng. Chị cũng tạo việc làm cho 10 nữ thợ may với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Có việc làm, có thu nhập ổn định, nhiều chị đã tự tin trong cuộc sống.
Ông PHẠM HỮU PHƯỚC HUY, Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP HCM:
Những tấm gương truyền cảm hứng
Trong giai đoạn hiện nay, người phụ nữ không chỉ nội trợ mà còn cùng chồng chăm sóc, nuôi dạy con cái trưởng thành, đặc biệt là tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Các tấm gương điển hình không chỉ vượt qua khó khăn để lèo lái DN mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động khác. Ở các chị không chỉ toát lên một vẻ đẹp truyền thống của người vợ, người mẹ mà còn mang tính hiện đại, nhân văn, truyền cảm hứng đến mọi người.
Bình luận (0)