xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CON CÔNG NHÂN CÁC KCX-KCN: San sẻ khó khăn với công nhân

ĐÌNH THI

Tổng LĐLĐ Việt Nam cần sớm triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn để giảm bớt gánh nặng về nhà ở và nơi gửi trẻ cho công nhân - lao động

Ngày 3-10, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội thảo về "Thực trạng và giải pháp về nhà trẻ, mẫu giáo và các chính sách hỗ trợ cho con công nhân - lao động (CNLĐ) trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo tại các KCX-KCN; vai trò của Công đoàn trong triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN)".

Đầu tư cho tương lai

Chủ trì buổi hội thảo, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nói đây là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những thông tin hữu ích giúp cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác chăm lo cho người lao động (NLĐ) và con em họ, đặc biệt là với NLĐ đang nuôi con nhỏ.

Theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 563 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, trong đó có 397 KCN đã được thành lập, 291 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87.100 ha, tỉ lệ lấp đầy khoảng 70,9%. Các KCN trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,07 triệu CNLĐ. Việc gia tăng ngày càng nhanh của các KCN và lực lượng lao động đã tạo nên áp lực về tăng dân số cơ học, việc quy hoạch và phát triển mạng lưới trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ đến trường. Nhiều con em của NLĐ nhập cư phải gửi ở hệ thống trường tư thục, nhóm trẻ vì không có hộ khẩu.

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CON CÔNG NHÂN CÁC KCX-KCN: San sẻ khó khăn với công nhân - Ảnh 1.

Trường mầm non dành cho con công nhân của Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: THẢO NGUYỄN

Với thu nhập của CN, để lo cho con em ăn học ở trường tư là một sự cố gắng rất lớn. Đặc biệt, giáo viên (GV) đang làm việc tại trường tư thục ở KCN còn vất vả hơn nhiều. Mỗi ngày, các cô phải làm việc 10 giờ, chịu nhiều áp lực trong khi đồng lương chưa tương xứng với công sức lao động.

Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP (ngày 8-9-2020), với những quy định tương đối toàn diện và tạo điều kiện cho NLĐ ở KCN. "Nghị định chính là bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống CN, để không ai bị bỏ lại phía sau. Theo đó, GV mầm non được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng, con em CN đang làm việc ở các KCN được hỗ trợ 160.000 đồng/cháu/tháng. Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, để có được mức hỗ trợ này là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, đồng thời đây cũng được đánh giá là một chính sách nhân văn để đầu tư cho tương lai" - bà Thái Thu Xương nhấn mạnh.

Chính sách nhân văn

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan và tổ chức Công đoàn tham mưu cho UBND các tỉnh, thành để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho GV mầm non, con CNLĐ trong các KCN và các cơ sở GDMN dân lập, tư thục đủ điều kiện theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, điển hình như Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai.

Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành được nghị quyết của HĐND. LĐLĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện nghị định tới CNLĐ trong toàn tỉnh để NLĐ hiểu, nắm rõ được quyền lợi của mình và chủ động làm các thủ tục đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định.

Đến tháng 8-2022, cả nước có 67.435 cháu là con CNLĐ được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 32,7 tỉ đồng; 1.832 GV được hỗ trợ với số tiền hơn 6,2 tỉ đồng và 355 cơ sở GDMN độc lập, tư thục được hỗ trợ với mức hỗ trợ trung bình 20 triệu đồng/lần hỗ trợ. Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đa số các địa phương hỗ trợ 160.000 đồng/cháu/tháng, bằng với mức hỗ trợ tối thiểu của Nghị định 105/2020/NĐ-CP, một số địa phương có mức hỗ trợ khá cao như: Hải Phòng (250.000 đồng/cháu/tháng), Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội (240.000 đồng cháu/tháng), Vĩnh Phúc (220.000 đồng/cháu/tháng).

Tại hội thảo, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố khẳng định Nghị định 105/2020/NĐ-CP ra đời đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí gửi trẻ cho CNLĐ, giúp họ an tâm tập trung lao động sản xuất; đồng thời góp phần tăng thu nhập, bảo đảm mức sống của bản thân, gia đình của GV mầm non đang làm việc tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục trên địa bàn có KCN.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Hồng Vân, quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở hoặc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đối với NLĐ chưa thực hiện được. Ngoài ra, nhiều địa phương còn hạn chế nguồn lực đầu tư cho phát triển GDMN về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học ở địa bàn KCN. Ngoài các đối tượng được hưởng theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP còn các đối tượng con CNLĐ ngoài KCN (cơ sở GDMN không đủ 30% trẻ em là con CNLĐ làm việc tại KCN) cũng đang cần sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội.

"Bên cạnh chính sánh hỗ trợ của nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần sớm triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn để NLĐ được sử dụng, giảm bớt gánh nặng về nhà ở và nơi gửi trẻ cho con CNLĐ" - bà Vân kiến nghị.

THÁI THU XƯƠNG, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Hỗ trợ BHXH cho giáo viên mầm non

Trong quy hoạch xây dựng các KCN, các địa phương cần quy hoạch nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, các thiết chế văn hóa, thể thao để NLĐ có nơi gửi trẻ, từ đó an tâm làm việc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét ban hành quy định về học phí đối với GDMN để giảm sự chênh lệch về học phí giữa các cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập; ban hành chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các cơ sở độc lập tư thục để khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển mạng lưới cơ sở độc lập tư thục, tiếp tục góp phần giảm quá tải số trẻ ra nhóm, lớp trong các cơ sở GDMN công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con đến trường của người dân. Các địa phương cần xem xét hỗ trợ BHXH cho GV tại các cơ sở GDMN ngoài công lập để cơ sở GDMN ngoài công lập chi trả lương cao hơn cho GV, giúp họ yên tâm công tác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo