xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Truyền nhân cuối cùng

Bài và ảnh: TRỰC NGÔN

Đam mê nghề nghiệp giúp ông Chinh lưu giữ một nghề truyền thống đang dần bị lãng quên bởi quá trình đô thị hóa

Lúc nhỏ, tôi vẫn thường theo xe ngựa (còn gọi là thổ mộ) của ông nội rảo khắp vùng Hòa Hưng, Bà Quẹo, Hóc Môn. Ngồi cạnh ông, tôi thích thú ngắm nhìn cặp ngựa sải vó trên đường, văng vẳng bên tai là tiếng lục lạc treo nơi cổ ngựa. Nhờ cái nghề đánh xe ngựa của nội mà các bác, các cô và cả ba tôi không ai phải dở dang việc học. Khi nội già yếu, chiếc xe và cặp ngựa phải bán đi dù con cháu biết ông tiếc đứt ruột. Kỷ vật duy nhất nội giữ lại là chiếc đèn bão treo bên hông xe và đó cũng là thứ tôi thích nhất. Biết tôi mê xe thổ mộ, một người bạn thân giới thiệu: “ Ở ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vẫn còn người đóng xe thổ mộ. Đến đó, ông cứ hỏi nhà ông Năm Chinh thì ai cũng biết”.

Học một chữ nhẫn

Tiếp tôi trong căn nhà vườn rộng 3.000 m2 rợp bóng cây xanh là một người đàn ông có dáng thấp đậm, giọng nói chất phác. Ông chính là Trần Hữu Chinh (còn gọi là Năm Chinh), được xem là truyền nhân cuối cùng của nghề đóng xe thổ mộ ở Bình Dương. Ông Chinh là người con thứ 5 của nghệ nhân Trần Văn Hai (Hai Sộp) nổi tiếng với nghề chế tác xe thổ mộ.

Ông Trần Hữu Chinh lắp một chiếc đèn bão lên xe thổ mộ
Ông Trần Hữu Chinh lắp một chiếc đèn bão lên xe thổ mộ

Tôi đã không uổng công lặn lội khi được tận mắt chứng kiến những chiếc xe thổ mộ được chế tác gần như nguyên bản. Từ khung sườn, cặp bánh, chiếc chuông đồng đến lục lạc, tất cả đều giữ được nét cổ kính nhuốm màu thời gian. Trừ phần khung, các phụ kiện đi kèm theo xe được bảo quản rất kỹ và có tuổi thọ hơn 100 năm. “Những thứ này được cha để lại cho con cháu nên tôi sẽ không bán cho bất cứ ai. Giá trị của nó không thể tính bằng tiền” - ông Chinh bộc bạch. Mê xe thổ mộ nên từ nhỏ, cậu bé Chinh thường theo cha ra xưởng mộc coi thợ sửa chữa và học lóm. Năm 11 tuổi, cậu đã biết cách sử dụng cưa, bào, đục và sửa chữa những hỏng hóc thông thường. Phát hiện tố chất khéo léo của con, ông Hai Sộp quyết định truyền nghề. Thừa hưởng gien di truyền của cha, lại sáng dạ nên cậu bé Chinh học nghề rất nhanh. Được sự kèm cặp tận tình của cha, tất cả công đoạn từ khó đến dễ được cậu tiếp thu và kiên nhẫn thực hiện đến thuần thục. Nhớ lại khoảng thời gian học nghề, ông Chinh không quên được ánh mắt nghiêm khắc của cha khi thấy con trai chuốt căm xe chưa khéo. “Chuốt căm xe thấy đơn giản nhưng không hẳn vậy. Người thợ phải biết tính toán để chuốt sao cho căm khớp với đùm, 24 cây như 1. Chỉ riêng việc chuốt căm, cha bắt tôi làm đi, làm lại hàng trăm lần đến khi nào rành rẽ mới thôi” - ông Chinh kể. Bền chí học nghề, đó cũng là lý do vì sao xưởng mộc có không ít thợ theo học nhưng trụ lại được với nghề đến nay chỉ có ông Chinh.

Chỉn chu với nghề

Nghề đóng xe thổ mộ đòi hỏi cao về kiến thức lẫn tay nghề của người thợ. “Bắt tay thực hiện các công đoạn, người thợ phải hết sức kiên nhẫn, không được nóng vội. Xe được chế tác càng kỹ thì độ bền càng cao, giá trị sử dụng cũng tăng dần” - ông Chinh thổ lộ.

Chỉ tay vào một chiếc xe thổ mộ cổ vừa được chế tác hoàn chỉnh, ông Chinh cho biết việc lựa chọn nguồn nguyên liệu quyết định đến chất lượng xe. Trước đây, các bộ phận của xe được làm chủ yếu bằng ván hương bởi loại gỗ này có độ bền cao. Những năm gần đây, khi nguồn gỗ này khan hiếm thì ông Chinh dùng gỗ mít thay thế. Gỗ đóng xe phải có bề mặt phẳng và không bị mối mọt, các bộ phận sau khi hoàn thiện xong phải được phun PU để bảo quản. Nghề đóng xe thổ mộ còn đòi hỏi khiếu thẩm mỹ và sự chính xác ở người thợ. Tất cả các bộ phận của xe trước khi sản xuất và lắp ráp phải được người thợ phác thảo sẵn trong đầu. Như khâu chuốt căm chẳng hạn, căm sau khi chuốt phải để thật khô rồi mới lắp vào lỗ mộng để không bị “nổ”. Quy trình gắn chốt kết nối các chi tiết, lỗ mộng và thanh chốt, theo ông Chinh, phải làm theo hình đuôi cá để khi tác động lực, thanh chốt càng vào sâu thân gỗ càng khít chặt.

Dù được xếp vào hàng cao thủ nhưng khi nhắc đến công đoạn làm lốp, ông Chinh cho biết bản thân cần phải hoàn thiện nhiều. Bánh xe ngựa thông thường có 3 lớp (khung gỗ, ở giữa là vòng sắt và bọc ngoài là lớp cao su). Nếu như việc hoàn thiện khung gỗ đã mất khá nhiều thời gian thì chế tạo vòng sắt rất kỳ công. Vòng sắt bọc bánh xe phải được nung ở nhiệt độ thích hợp trước khi ráp vào bánh, do vậy người thợ phải có kinh nghiệm canh lửa. “Gỗ mít vốn rất dẻo nên khi tròng vòng sắt vào bánh, cần phải tính toán đúng thời điểm. Vòng sắt quá nóng thì bánh xe sẽ bị nổ, ngược lại thì phải nung lại, chất lượng bánh xe chắc chắn sẽ giảm” - ông Chinh giải thích. Công đoạn rút căm (bọc lớp cao su vào vòng sắt bánh xe) cũng là một thử thách với người thợ. Để lớp vỏ cao su ôm khít vòng sắt, người thợ phải tính toán lực căng phù hợp để xe chạy không gập ghềnh.

Giá thành một chiếc xe ngựa từ 60-100 triệu đồng nhưng nhiều nơi thường tìm đến nhà ông Chinh đặt hàng bởi mẫu mã đẹp, độ bền cao. Những chiếc xe thổ mộ độc đáo do ông Chinh đóng xuất hiện trong hàng trăm bộ phim, tạo hứng khởi cho người xem.

Trăn trở của ông Chinh là rất ít thanh niên chịu học nghề đóng xe thổ mộ bởi thu nhập bấp bênh. Vì vậy, ông mong kiếm được đệ tử để truyền nghề, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo